Viêm não mô cầu tăng nhanh, chuyên gia khuyến cáo phòng ngừa lây lan

Số ca mắc não mô cầu tăng nhanh, chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu nhận biết sớm, phòng ngừa lây lan, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.

Mới đây, Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM, vừa điều trị thành công cho bệnh nhi bị viêm màng não do não mô cầu.

Não mô cầu cần chẩn đoán và can thiệp sớm

Bệnh nhi là HVT (13 tuổi, ngụ Bình Dương) nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và ngủ gà kéo dài 2 ngày. Nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp các biện pháp hỗ trợ, sau 3 ngày bệnh nhi đã tiến triển tích cực.

Theo bác sĩ, viêm màng não do não mô cầu là một cấp cứu y khoa đòi hỏi chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng. Bệnh nhi trên đã được chẩn đoán sớm tại thời điểm nhập viện và xử trí kịp thời nên hồi phục tốt.

 Ca bệnh não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: BVCC

Ca bệnh não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: BVCC

Trước đó vào giữa tháng 2-2025, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân nam (38 tuổi), từ tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng đờ đẫn, sốt cao, lạnh run, nhức đầu nhiều, sưng đau các khớp kèm nổi tử ban tím thẫm ở đùi và 2 cẳng chân.

Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xác định đây là bệnh cảnh nặng của bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh tiêm tĩnh mạch kịp thời với liều cao thấm qua màng não tốt.

Sau điều trị, bệnh nhân hết sốt, tươi tỉnh và các tử ban ở da nhạt màu dần.

Bệnh viện cũng kết hợp với cơ quan phòng dịch, khu trú tập thể nơi bệnh nhân mắc bệnh, theo dõi sức khỏe của các cá nhân tiếp xúc gần, phát hiện thêm 2 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh. Hai bệnh nhân này được điều trị sớm giúp ngăn ngừa diễn tiến nặng, tạm thời khống chế được dịch lây lan.

 Ca bệnh não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: BVCC

Ca bệnh não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM). Ảnh: BVCC

Não mô cầu tăng cao, làm sao để phòng bệnh?

Theo số liệu của Viện Pasteur TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận 12 ca mắc bệnh não mô cầu tại 8/20 tỉnh, TP.

Số liệu này tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2024. Địa phương có ca bệnh gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh não mô cầu.

Dựa trên thực trạng bệnh não mô cầu ở khu vực phía Nam tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới bệnh này có nguy cơ cao xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Vi khuẩn này gây ra nhiều thể bệnh từ nhẹ đến nặng như gây viêm màng não mủ hoặc nhiễm trùng huyết. Trong đó có thể tối cấp, diễn tiến rất nhanh trong vài giờ có thể gây tử vong.

 Các nốt tử ban xuất hiện trên da bệnh nhân mắc não mô cầu. Ảnh: BVCC

Các nốt tử ban xuất hiện trên da bệnh nhân mắc não mô cầu. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Dũng, con người là ổ chứa mầm bệnh duy nhất. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 10-20% người trong cộng đồng là người lành mang vi trùng.

Bệnh lây qua giọt bắn từ người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn khi ho, hắt hơi, nói chuyện gần hoặc dùng chung đồ cá nhân. Người sống chung nhà, ở ký túc xá, nhà trọ, làm việc chung là những đối tượng dễ bị lây.

“Mọi người đều có thể mắc bệnh, nhưng sống ở nơi tập trung đông người như ký túc xá, doanh trại… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn” - bác sĩ Dũng nói.

Theo đó, triệu chứng của não mô cầu khởi đầu giống cảm cúm bao gồm sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, nôn, tử ban (nốt đỏ bầm tím, lan nhanh trên da), cứng cổ, co giật, hôn mê. Ở thể nặng, bệnh có thể gây sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan, tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.

Bệnh điều trị được nếu được phát hiện sớm, điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, nhiều trường hợp có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Theo bác sĩ Dũng, bệnh não mô cầu lây qua giọt bắn nên cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như giữ vệ sinh nơi ở, giữ thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, không khạc nhổ nơi công cộng, che kín mũi miệng khi ho, hắt hơi.

Nên đeo khẩu trang khi mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh, khi đến nơi đông người đặc biệt là đến bệnh viện. Nếu tiếp xúc gần với người bệnh não mô cầu, cần thông báo với nhân viên y tế địa phương để được uống kháng sinh dự phòng.

Hiện nay có nhiều loại vaccine ngừa vi khuẩn não mô cầu với các nhóm huyết thanh (serotype) khác nhau đã có mặt tại các cơ sở tiêm chủng. Vaccine này không nằm trong danh mục tiêm chủng bắt buộc, có thể tiêm ngừa nếu có điều kiện.

Địa phương tăng cường giám sát não mô cầu

Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng bùng phát thành dịch. Mặc dù đã có kháng sinh điều trị và vaccine phòng bệnh, nhưng tỉ lệ người mang vi khuẩn trong cộng đồng mà không có triệu chứng vẫn cao - dao động từ 5%-25% tại vùng hầu họng, mũi.

Người dân, đặc biệt là trẻ em và người sống trong tập thể đông người, nên tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu và chú trọng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Các địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, chủ động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cơ sở y tế cần tổ chức tập huấn nhằm đảm bảo xử trí kịp thời, chính xác, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong.

PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/viem-nao-mo-cau-tang-nhanh-chuyen-gia-khuyen-cao-phong-ngua-lay-lan-post849822.html