Viêm phổi cấp Vũ Hán: Những bài học từ đại dịch Sars 2003
Bài học từ đại dịch Sars khiến Trung Quốc dường như chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin về dịch viêm phổi cấp Vũ Hán do virus corona gây ra.
Tháng 3/2003, một căn bệnh bí ẩn và chưa được biết đến lan rộng khắp thế giới. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) lây nhiễm cho hơn 8.000 người, khiến gần 800 người chết.
Nhiều người trong số họ bị nhiễm, bao gồm cả bác sĩ, chuyển từ các triệu chứng giống như cúm sang viêm phổi nặng trong vài ngày. Virus này lan sang 26 quốc gia và Trung Quốc bị cơ quan y tế toàn cầu của Liên hợp quốc chỉ trích vì che giấu quy mô của dịch.
17 năm sau, sự lây lan của một loại coronavirus mới - đã khiến 25 người chết và hàng trăm người mắc bệnh - đang làm sống lại những ký ức về Sars và đưa sự giám sát toàn cầu trở lại với chính phủ Trung Quốc.
Có nhiều bài học mà nước này có thể rút ra từ thảm họa dịch Sars trong quá khứ.
Làm việc với các nước khác
Sars đặt ra thách thức lớn đối với Trung Quốc cả về khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và chính trị. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên được cảnh báo về các trường hợp viêm phổi nặng và bất thường ở miền Nam nước này vào tháng 2/2003. Các quan chức địa phương cho biết hơn 300 người bị bệnh.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra sau đó cho thấy các trường hợp nhiễm đầu tiên xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông từ tháng 11/2002, tức là phải mất nhiều tháng để quy mô khủng hoảng Sars của Trung Quốc mới bị phơi bày. Bác sĩ Jiang Yanyong cảnh báo với các phương tiện truyền thông quốc tế vào tháng 4/2003 rằng chính phủ Trung Quốc đã không coi trọng đúng mức mối đe dọa của Sars.
Lời khuyến cáo được truyền đến các bệnh viện. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) thậm chí phải đưa ra lời xin lỗi chưa từng có về sự lây lan. "Các bộ phận y tế và phương tiện thông tin đại chúng của chúng tôi đã phối hợp kém," ông Li Liming nói trong một cuộc họp báo.
Đối phó với Sars rất phức tạp vì không chắc chắn bệnh lan rộng như thế nào. WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu đầu tiên vào ngày 12/3/2003 sau khi một bệnh nhân nhập viện tại Hà Nội, Việt Nam dẫn đến một số nhân viên y tế bị bệnh. Cơ quan Y tế Hong Kong cũng xác nhận sự bùng phát bệnh hô hấp ở các nhân viên bệnh viện.
"Đây là lần đầu tiên một coronavirus gây chú ý vì mầm bệnh có thể lây lan khắp thế giới như thế này", Giáo sư David Heymann, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm của WHO tại thời điểm bùng phát dịch Sars, nói với BBC. "Vì vậy, ban đầu người ta không biết nó là gì và không ai thực sự tìm kiếm coronavirus như họ đang làm bây giờ."
Giáo sư Heymann nói các nhà chức trách Trung Quốc dường như đã chủ động hơn nhiều với đợt bùng phát mới, bao gồm cung cấp thông tin cho WHO một cách thường xuyên. Tuần này, lãnh đạo WHO đã ca ngợi phản ứng của Trung Quốc.
Không che đậy
Sự thiếu minh bạch đối với Sars làm "sứt mẻ" uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế và khiến tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại. Các chuyên gia y tế, trong đó có Giáo sư Heymann, nhấn mạnh tính minh bạch là yếu tố chính trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, đặc biệt là những virus chưa được hiểu rõ.
Khi các biện pháp kiểm soát thích hợp và phòng ngừa nhiễm trùng được thực hiện, Sars đã được kiểm soát trong vòng vài tháng. Điều này được hỗ trợ bởi thông tin y tế công cộng được chia sẻ giữa WHO và chính quyền địa phương bất cứ nơi nào Sars gây lo ngại.
Hong Kong là một trong những điểm nóng chính của virus. Mọi người bắt đầu thay đổi thói quen, khẩu trang trở thành tiêu chuẩn nơi công cộng. Các bề mặt khu vực công cộng có nguy cơ lây truyền cao, như nút bấm thang máy, được làm sạch hàng giờ và mỗi ngày tin tức địa phương cập nhật số người bị nhiễm virus.
Helier Cheung, một nhà báo của BBC lớn lên ở Hong Kong, nhớ rằng cô và các bạn cùng lớp bị kiểm tra nhiệt độ hàng ngày. Các lớp học tạm thời đóng cửa trong vài ngày - ngay trước kỳ thi. Các bản tin phát trên truyền hình nhắc nhở công chúng rửa tay và làm sạch các bề mặt.
Một nhân viên BBC khác làm việc tại một trường đại học ở Trung Quốc đại lục thì cho biết họ phụ thuộc rất nhiều vào tin đồn và tin tức nước ngoài ở thời điểm có ít thông tin chính thức, chưa kể thông tin sai lệch lan truyền - như đặt bát giấm trên đầu đốt trong lớp học để "khử trùng không khí".
Trong những ngày gần đây, các quan chức Trung Quốc cho thấy họ đang cởi mở hơn rất nhiều. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả việc chống lại virus là "cực kỳ quan trọng" và đã có những cảnh báo công khai chống lại mọi nỗ lực che đậy. "Bất cứ ai đặt bộ mặt của các chính trị gia trước lợi ích của người dân sẽ là tội nhân thiên niên kỷ đối với đảng và nhân dân", một bài bình luận trên tài khoản của Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn cần làm nhiều hơn để kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.
Cải thiện phản ứng y tế
Sự bùng phát của Sars là chất xúc tác cho sự thay đổi trong hệ thống y tế của Trung Quốc, theo BBC, khi chi phí cho y tế đã tăng lên sau đó.
Các quan chức y tế nước này thông thường báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng cách điền vào thẻ bằng tay và sau đó gửi hoặc fax đến văn phòng trung tâm. Sau Sars, chính phủ tạo ra một hệ thống trực tuyến tập trung kết nối các phòng khám và bệnh viện trên cả nước và cho phép họ báo cáo các trường hợp trong thời gian thực.
"Trung Quốc phát triển các hệ thống giám sát dịch bệnh tuyệt vời kể từ Sars, bao gồm giám sát khoa cấp cứu theo thời gian thực đối với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, vì vậy điều này sẽ giúp xác định nhanh chóng các trường hợp mới", Raina MacIntyre, người đứng đầu chương trình nghiên cứu an toàn sinh học tại Viện Kirby Sydney, nói với Reuters.
Gabriel Leung, phụ trách lĩnh vực y tế công cộng tại Đại học Hong Kong, cho biết khoảng thời gian "nhận biết, mô tả, phát hành và báo cáo thông tin" cải thiện rất nhiều kể từ thời điểm Sars bùng phát. "Những gì đã mất vài tháng trong thời gian diễn ra dịch Sars bây giờ chỉ cần vài tuần hoặc vài ngày," ông nói trong một cuộc họp báo đầu tuần này.
Nhưng không phải tất cả các cải cách y tế công cộng được đề xuất sau Sars đều được thực hiện.
Năm 2006, Zhong Nanshon, bác sĩ phát hiện Sars và hiện là người chịu trách nhiệm chính trong việc chống lại dịch bệnh tại Vũ Hán, nói rằng điều quan trọng là phải làm sạch các chợ động vật hoang dã của Trung Quốc, nơi "quản lý kém và mất vệ sinh" và "có thể là một nguồn lây nhiễm nguy hiểm mới". Nhưng các báo cáo từ Vũ Hán cho thấy sự lây truyền giữa các loài động vật cũng là trung tâm của đợt bùng phát mới.
Chợ động vật ở Vũ Hán, bị đóng cửa một ngày sau khi các ca bệnh đầu tiên được xác nhận, được cho là đã bán động vật trong đó có chuột, chó sói sống và cầy hương, những loài được cho là có liên quan đến các dịch trước đây.