Viêm phổi không rõ nguyên nhân và dịch cúm lan rộng: Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

Thế giới hiện đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là một đợt bùng phát viêm phổi không rõ nguyên nhân và sự lan rộng của dịch cúm mùa.

Những diễn biến này không chỉ làm gia tăng sự lo ngại trong cộng đồng mà còn đặt ra thách thức lớn đối với các hệ thống y tế toàn cầu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mới đây, Trung Quốc đã báo cáo sự gia tăng các ca viêm phổi "không xác định nguyên nhân", với các triệu chứng tương tự như Covid-19 như sốt, ho, viêm phổi, và các vấn đề hô hấp khác.

Những ca bệnh này đang làm tắc nghẽn các bệnh viện, tạo ra một tình trạng căng thẳng và thiếu hụt nguồn lực. Các chuyên gia lo ngại rằng virus mới có thể là một mối đe dọa lớn, tương tự như các dịch bệnh đã từng xuất hiện trong quá khứ, và có khả năng gây ra những đợt bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng.

Được biết, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp để đối phó với tình huống xấu nhất, đồng thời tăng cường giám sát và phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự lây lan. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chính xác loại virus gây bệnh, khiến tình hình trở nên phức tạp và khó kiểm soát.

Một loại virus khác cũng đang gây ra lo ngại là HMPV (Human Metapneumovirus), một tác nhân gây viêm phổi tương tự như virus cúm hay virus hợp bào hô hấp (RSV).

Mặc dù virus này chủ yếu lây lan vào mùa đông, nhưng sự gia tăng các ca mắc HMPV ở Trung Quốc trong thời gian qua cũng là một vấn đề đáng chú ý.

HMPV lây lan qua các giọt bắn từ ho, hắt hơi, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của người bệnh hoặc các vật dụng chung. Các triệu chứng của bệnh này tương tự cảm lạnh, nhưng lại dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở những người cao tuổi và trẻ em.

Bên cạnh dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, cúm mùa cũng đang lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Tại Mỹ, số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho thấy dịch cúm năm nay đang trở nên nghiêm trọng, với ít nhất 5,3 triệu ca mắc cúm, 63.000 ca nhập viện, và hơn 2.700 ca tử vong, trong đó có cả trẻ em.

Các bang miền Nam và Tây Nam của Mỹ đang chứng kiến mức độ lây lan đặc biệt cao, đồng thời các bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở điều trị nhi khoa, đã rơi vào tình trạng quá tải.

Cúm mùa thường là một bệnh lý không quá nghiêm trọng ở người trẻ và khỏe mạnh, nhưng đối với những người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh nền, tác động có thể rất nghiêm trọng, gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, và thậm chí tử vong. Năm nay, cúm B là loại virus chủ yếu lưu hành tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu, nơi dịch cúm đang gia tăng nhanh chóng sau kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch bệnh liên quan đến virus hô hấp đang lan rộng khắp thế giới, và các cơ quan y tế toàn cầu khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để hạn chế sự lây lan. Đặc biệt, việc tiêm vắc-xin phòng cúm và các bệnh viêm đường hô hấp là một trong những biện pháp quan trọng giúp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và các biến chứng nặng.

Đối với dịch cúm, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, nhập viện và tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh nền nên tiêm vắc-xin phòng cúm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Vắc-xin cúm cần được tiêm mỗi năm vì các chủng virus cúm có thể thay đổi, và vắc-xin cần được cập nhật để phù hợp với các biến thể mới.

Dù các loại vắc-xin Covid-19 đã được phát triển và tiêm chủng rộng rãi, nhưng mối lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn là một vấn đề chưa thể lơ là.

Virus này vẫn tiếp tục đột biến, và mỗi biến thể lại có những đặc điểm lây lan nhanh chóng hơn, khiến tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp. Mới đây, các chuyên gia đã ghi nhận một số dấu hiệu của các đợt bùng phát Covid-19 tại nhiều quốc gia, mặc dù tình hình không còn nghiêm trọng như trước đây.

Các triệu chứng của Covid-19 có thể kéo dài nhiều tháng, với các vấn đề như mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức (sương mù não), và các biến chứng tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm phòng Covid-19 không chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh mà còn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các triệu chứng kéo dài.

Trước sự gia tăng của các dịch bệnh này, các chuyên gia y tế trên toàn thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, đặc biệt là vắc-xin cúm và Covid-19.

Việc chủ động tiêm vắc-xin không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giảm thiểu nguy cơ lây lan cho những người xung quanh, góp phần xây dựng "đàn kháng thể" cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống y tế.

Dù là dịch cúm mùa, viêm phổi không rõ nguyên nhân, hay các biến thể mới của Covid-19, theo các chuyên gia y tế, mỗi chúng ta cần duy trì thói quen phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc-xin đầy đủ, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Sức khỏe không chỉ là của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Về điều trị cúm mùa, các sỹ khuyến cáo việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa tạng.

Do đó, khi có dấu hiệu người dân cảnh giác đi khám ngay để được chữa phát hiện kịp thời, đặc biệt bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Để tránh biến chứng và hậu quả khôn lường có thể xảy ra do cúm, chuyên gia lưu ý, khi có dấu hiệu của bệnh cúm người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm kịp thời.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu của cúm như ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể; thì sau sốt 24h là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.

Cũng theo chuyên gia, do cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sỹ hướng dẫn.

Bên cạnh đó, người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần.

Về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, người dân cần bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể);

Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng (cháo, súp gà); Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...); Ăn các loại rau củ quả; Thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn; Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch (cam, quýt, bưởi).

Lưu ý, khi có chẩn đoán cúm A, người bệnh cần tránh đến nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Với cúm A, chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 7 triệu ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, số người tử vong ước tính cao hơn ít nhất 3 lần.

Tại Mỹ, trung bình có khoảng 900 người tử vong vì Covid-19 mỗi tuần trong năm qua - theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viem-phoi-khong-ro-nguyen-nhan-va-dich-cum-lan-rong-moi-de-doa-suc-khoe-toan-cau-d238925.html