Viễn cảnh ảm đạm cho Ukraine nếu phản công bất thành
Một trong những bi kịch lớn nhất của Ukraine khi không thể đáp ứng kỳ vọng của bản thân và các đồng minh phương Tây trong chiến dịch phản công là họ không thể tự quyết định vận mệnh của chính mình.
Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky phụ thuộc vào số lượng lớn vũ khí mà Mỹ và phương Tây cung cấp. Vị thế của Nga trong bàn đàm phán sẽ phụ thuộc nhiều vào cách cuộc xung đột kết thúc.
Dù những hy sinh trên chiến trường sẽ quyết định Ukraine lấy lại được bao nhiêu lãnh thổ từ Nga, nhưng kết quả của cuộc xung đột cũng sẽ được định đoạt bởi các yếu tố bên ngoài, bao gồm cả những thay đổi chính trị ở Mỹ và châu Âu.
Chiến dịch phản công đình trệ hay mùa đông bế tắc của Ukraine đều sẽ gây ra tác động cụ thể đối với Mỹ, vì nó có thể gây hoài nghi đối với sự ủng hộ của Washington và chắc chắn sẽ tác động đến tình hình kỳ bầu cử Mỹ năm tới.
Người Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu giữa Tổng thống Joe Biden, người đã hồi sinh liên minh phương Tây để ủng hộ Ukraine từ khi xung đột nổ ra, với cựu Tổng thống Donald Trump, một người hoài nghi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ, có thể theo những điều kiện có lợi cho Nga.
Ngay cả khi ông Trump không phải là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong năm 2024, việc dư luận giảm bớt ủng hộ Ukraine có thể gây tổn hại cho ông Biden.
Do đó, vì lý do chính trị cũng như chiến lược, Ukraine chịu áp lực rất lớn khi triển khai chiến dịch phản công, phải có được những bước đột phá quan trọng trên chiến trường.
Nhưng cho đến nay, chiến dịch phản công được đánh giá là giống khẩu hiệu hơn là cuộc đánh chớp nhoáng, khiến xung đột có thể kéo dài sang năm sau.
Nếu vậy, tất cả những yếu tố nền tảng của cuộc xung đột, bao gồm năng lực chiến đấu của Ukraine, sự khao khát của người Mỹ khi cung cấp những gói viện trợ trị giá hàng tỷ đô la và khả năng chịu đựng lớn của Nga sẽ còn căng hơn nữa.
Một bài viết trước đó trên CNN dẫn lời các quan chức cho biết, Mỹ và các đồng minh đang nhận được những đánh giá bi quan về triển vọng Kiev đạt được đột phá trong thời gian tới.
Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây nói rằng dù vẫn còn cơ hội để Ukraine đạt được tiến bộ, nhưng “cực kỳ khó” có thể thay đổi cán cân của cuộc xung đột trong những tuần tới. Các quan chức cả trong và ngoài Ukraine giờ đây thừa nhận những bước tiến trong cuộc tấn công diễn ra chậm hơn so với những gì họ mong đợi.
Di sản của tổng thống Mỹ
Trong một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của việc bên ngoài nghĩ như thế nào về cuộc xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky rất nhạy cảm với bất kỳ phát biểu nào cho rằng cuộc phản công chỉ là nỗi thất vọng, dù vẫn đặc biệt nhấn mạnh rằng ông cần nhiều vũ khí phương Tây hơn.
“Có sự mệt mỏi trong mắt chúng tôi, nhưng có sự sợ hãi trong mắt họ. Và đây là hai điều rất khác nhau. Vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc tấn công của Ukraine sắp hết thời gian dù thời tiết mùa thu sắp đến có thể khiến các hoạt động trở nên khó khăn hơn”, ông Zelensky nói trong cuộc gặp với một số cơ quan truyền thông Mỹ Latin ngày 8/8.
Cùng ngày, Trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling nói trong chương trình của CNN: “Nhiều nhà phân tích tin rằng Ukraine không thể ngăn chặn Nga ngay từ khi bắt đầu cuộc xung đột, nhưng Kiev đã chứng minh điều đó sai".
Ông cho biết Ukraine đang triển khai phản công trên một vùng đất rộng lớn và cần thời gian. “Có rất nhiều bình luận gay gắt về những gì đang diễn ra hiện nay, nhưng Ukraine đang phải làm là nhiệm vụ khó khăn nhất trong tất cả nhiệm vụ và sẽ mất nhiều thời gian”, Hertling nói.
Nhưng liệu phương Tây có thể trao cho Ukraine thêm thời gian cần thiết?
Nếu Kiev không đạt được bước đột phá nào trong những tuần tới, các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây còn rất ít lựa chọn khi tính toán bối cảnh chính trị rộng hơn của cuộc chiến, cho dù chưa biết khi nào nó mới kết thúc.
Một hội nghị quốc tế cấp cao vừa diễn ra ở Ả-rập Xê-út để tìm ra cách giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa ai thấy con đường sáng nào có thể dẫn đến ngừng bắn.
Ukraine không quan tâm ý tưởng nhượng đất, vì họ muốn quay lại biên giới từ năm 1991, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Trong khi đó, ông Putin cũng cần thành quả rõ ràng để khẳng định chiến thắng cho chiến dịch quân sự của mình, vì dư luận trong nước.
Cuối cùng, khả năng của cả Nga và Ukraine trong chịu đựng những tổn thất nặng nề trên chiến trường sẽ quyết định thời điểm mà một trong hai bên sẵn sàng đàm phán, khi tổn thất lớn hơn kết quả có thể thu về.
Thời điểm xảy ra kịch bản này chắc chắn sẽ quyết định sự ủng hộ của Mỹ, khi điều này không chỉ liên quan đến việc vũ trang cho Kiev mà cả duy trì sự thống nhất của NATO và quyết tâm của châu Âu.
Dù có đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không, di sản của ông Biden sẽ bị chi phối bởi cách ông ứng xử với cuộc xung đột ở Ukraine. Đây được đánh giá là sự thể hiện mạnh mẽ nhất vai trò lãnh đạo của một tổng thống Mỹ đối với phương Tây, ít nhất kể từ thời George H.W. Bush hồi cuối Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Biden đang nghiên cứu một dự luật tài trợ bổ sung mới, có thể sẽ trình Quốc hội xem xét vào cuối năm nay. Đây sẽ là phép thử quan trọng đối với sự sẵn sàng của Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, trong việc tiếp tục ném hàng tỷ đô la vào cuộc chiến, bất chấp nhiều hoài nghi.
Dù chính sách đối ngoại hiếm khi là yếu tố quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và cuộc xung đột ở Ukraine không phải là vấn đề chi phối trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nhưng một số người ủng hộ đảng ở các bang bỏ phiếu sớm như Iowa và New Hampshire đã nêu vấn đề này và đặt câu hỏi về sự hào phóng của Mỹ sau giai đoạn dài lạm phát cao, khiến cuộc sống của người Mỹ khó khăn hơn.
Một cuộc thăm dò mới của CNN/SSRS thực hiện tuần trước phản ánh sự phức tạp chính trị ở Mỹ đối với cuộc chiến, khi 55% cử tri cho rằng Quốc hội không nên cho phép tài trợ thêm cho Ukraine. Khoảng 51% cho rằng Mỹ giúp thế là đủ, trong khi 48% ủng hộ làm nhiều hơn nữa.