Viễn cảnh ảm đạm của thị trường tài chính toàn cầu
Việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và khiến giới đầu tư đối mặt với một thị trường tài chính đầy biến động.
Những dấu hiệu bất ổn ở khắp mọi nơi
Chứng khoán lao dốc, giá trái phiếu chính phủ giảm mạnh, các đồng tiền rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng đô la Mỹ và giá dầu giảm. Những dấu hiệu của một thời kỳ bất ổn đang xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư, vốn đã phải lo lắng vì lãi suất tăng và lạm phát cao trong suốt thời gian qua, giờ đây lại càng trở nên bi quan hơn khi khả năng suy thoái kinh tế thế giới ngày càng gia tăng.
Nỗi lo ngại này đã gia tăng đáng kể trong tuần qua sau khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới một lần nữa sử dụng công cụ cùn mòn, thiếu hiệu quả, nhưng lại có tác động mạnh mẽ của mình: tăng lãi suất để chống lạm phát.
Các đợt tăng lãi suất trước đó đã làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và giờ đây, những đợt tăng lãi suất mới được dự báo có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng về thị trường toàn cầu tại Invesco, lo ngại việc lãi suất tăng nhanh trên thế giới đang làm gia tăng khả năng xảy ra suy thoái; tác động không chỉ tới từ Mỹ, mà còn từ nhiều ngân hàng trung ương khác. Sự thực là các nhà đầu tư đang phải cố gắng thích nghi với một điều kiện thị trường ngày càng khắc nghiệt hơn.
“Thật khó để biết những sự đổ vỡ sẽ diễn ra ở đâu và khi nào”, Mike Kelly, người đứng đầu bộ phận đa tài sản tại PineBridge Investments cho biết. “Trước đây, nhận thức chung của mọi người là cuộc suy thoái sẽ không quá nghiêm trọng và không kéo dài quá lâu. Bây giờ, chúng tôi đang thay đổi suy nghĩ đó, và bắt đầu nghĩ đến những hậu quả không mong muốn mà việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay có thể mang lại”.
Những biến động đáng lo ngại cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Tại Nhật Bản, chính phủ đã phải thực hiện biện pháp can thiệp thị trường để làm tăng giá đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998. Còn tại Anh, đồng bảng đã rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng bạc xanh sau khi chính phủ nước này đề xuất vay thêm hàng trăm tỉ bảng Anh để tài trợ cho kế hoạch cắt giảm thuế và hóa đơn năng lượng – một kế hoạch được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế xứ sở sương mù.
Cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường
Các nhà đầu tư rõ ràng đang có tâm lý bi quan trước những viễn cảnh ảm đạm này và đã phản ứng bằng làn sóng bán tháo ồ ạt trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần trước.
Tại Mỹ, cả ba chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm từ 4-5%. Cả S&P 500 và Nasdaq đều đã rơi vào thị trường giá xuống (thị trường gấu) trong khi Dow Jones chỉ còn cách khu vực này trong gang tấc. Đà bán tháo của giới đầu tư đã gần như xóa sạch mọi lợi nhuận đạt được trong đợt tăng điểm hồi mùa hè.
New York Times chỉ ra rằng, chỉ số S&P 500 sau khi đã mất 22% giá trị kể từ đầu năm tới nay, hiện đang hướng tới quý thứ ba liên tiếp giảm điểm – điều chưa từng xảy ra kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Theo ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại Công ty Nghiên cứu thị trường CFRA Research, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có ý định tăng lãi suất cao hơn dự kiến đã khiến thị trường tài chính phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng niềm tin”.
Các thị trường khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại châu Âu, chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức mất 3,59% giá trị trong cả tuần, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh mất hơn 2% giá trị. Chỉ số STOXX 500 của châu Âu đã rơi vào thị trường giá xuống. Còn tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông ghi nhận mức lao dốc 4,42%.
Ở chiều ngược lại, lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh trên toàn thế giới. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất trong hơn 12 năm, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của Đức lần đầu tiên tăng trên 2% kể từ cuối năm 2008. Tại Anh, lợi suất trái phiếu năm năm tăng vọt 0,5 điểm phần trăm trong ngày 23-9 – bước nhảy vọt lớn nhất trong một ngày kể từ cuối năm 1991.
Lợi suất trái phiếu chính phủ cao được dự báo có thể làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu công nghệ đặc biệt nhạy cảm với lợi suất tăng vì giá trị của chúng phụ thuộc nhiều vào thu nhập trong tương lai, vốn có xu hướng giảm sâu hơn khi lợi suất trái phiếu đi lên.
Những biến động đáng chú ý đã diễn ra trên thị trường tiền tệ khi đô la Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ. Một phần nguyên nhân là do các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn khỏi những biến động mạnh tiêu cực trên thị trường tài chính toàn cầu.
“Tỷ giá hối đoái hiện đang biến động mạnh và rất khó lường”, ông David Kotok, Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết “Khi các chính phủ và ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh các nỗ lực tăng lãi suất, họ đồng thời cũng làm gia tăng những biến động trên thị trường tiền tệ”.
Những lo ngại về nền kinh tế cũng được phản ánh trên thị trường năng lượng khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm khoảng 6% xuống quanh mức 78 đô la/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1-2022 tới nay. Khả năng suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng lớn tới triển vọng nhu cầu dầu và là nguyên nhân chính khiến giá vàng đen sụt giảm.
Xu hướng thận trọng chiếm ưu thế trên thị trường
Những diễn biến khó lường kể trên đang khiến các chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng của thị trường. Các chiến lược gia của Goldman Sachs đã hạ mục tiêu cuối năm cho chỉ số S&P 500 từ 4.300 điểm xuống 3.600 điểm, giảm khoảng 16%. Chuyên gia phân tích David Kostin của Goldman Sachs cho biết “phần lớn các nhà đầu tư cổ phiếu đều đã chấp nhận rằng, kịch bản nền kinh tế hạ cánh cứng là điều khó có thể tránh khỏi”.
Còn theo chuyên gia Sam Stovall, nếu chỉ số S&P 500 chốt phiên ở dưới mức thấp nhất ghi nhận hồi giữa tháng 6 trong những phiên tới, một làn sóng bán tháo mạnh mẽ khác có thể được kích hoạt. Điều này sẽ đẩy chỉ số S&P 500 xuống mức thấp nhất là 3.200 điểm, một mức sụt giảm trung bình thường xuất hiện mỗi khi có hai sự kiện cùng xảy ra: chỉ số rơi vào thị trường giá xuống còn nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Ông Kevin Gordon, Giám đốc nghiên cứu đầu tư cấp cao tại Công ty Dịch vụ tài chính Charles Schwab, cảnh báo thị trường sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều sóng gió phía trước trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nền kinh tế toàn cầu ngày càng lộ rõ dấu hiệu của sự suy yếu.
Trong bối cảnh triển vọng thị trường khá ảm đạm, các nhà đầu tư hiện vẫn đang giữ thái độ thận trọng trong việc săn lùng tài sản giá hời từ các làn sóng bán tháo, ngay cả khi giá của chúng đã giảm mạnh. Nhiều người tin rằng, mức giá này vẫn chưa đủ rẻ, và tình hình thậm chí có thể còn tồi tệ hơn nữa, khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn tại nhiều nước làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn thế giới.
Ông David Kotok – Chủ tịch kiêm Giám đốc đầu tư tại Cumberland Advisors cho biết, vào thời điểm hiện tại, việc nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. Ông nói: “Tôi muốn chờ đợi thêm một số đợt bán tháo, cho tới khi giá trên thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn”.
“Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm để mua vào cổ phiếu vẫn còn ở phía trước, ít nhất là cho đến khi chúng tôi thấy được các dấu hiệu chứng tỏ thị trường đã chạm đáy”. Jake Jolly, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại BNY Mellon – người đang tăng phân bổ nguồn vốn vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, cho biết.
Theo Reuters, xu hướng thận trọng này sẽ còn tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, bởi nhiều nhà đầu tư tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn.
Nguồn: New York Times, Reuters, AP
Song Thanh
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vien-canh-am-dam-cua-thi-truong-tai-chinh-toan-cau/