Viễn cảnh đen tối: Mỹ có nguy cơ về lại mốc 200.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày

Dù không đạt mục tiêu 70% người Mỹ trưởng thành được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trước ngày Quốc khánh 4/7, Tổng thống Joe Biden vẫn tổ chức một bữa tiệc hoành tráng tại Nhà Trắng với hàng ngàn khách mời không đeo khẩu trang.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Phát biểu tại sự kiện, ông Biden tự tin thông báo nước Mỹ đang tiến gần hơn đến mục tiêu “độc lập khỏi loại virus chết người”. “Dịch bệnh không còn làm tê liệt nước Mỹ. Và chúng tôi có khả năng đảm bảo dịch bệnh sẽ không tái diễn.”

Nhưng chỉ hơn ba tuần sau bài phát biểu hào sảng của ông Biden, nước Mỹ một lần nữa đối mặt với viễn cảnh đen tối.

Có thể cán mốc 200.000 ca/ngày

Theo thống kê của Worldometers, chỉ sau một tháng, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ đã tăng gấp hơn năm lần, từ 11.299 ca vào ngày 26/6 lên 61.581 ca vào ngày 27/7.

Bác sĩ Tom Frieden, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ từ năm 2009 đến năm 2017, cảnh báo rằng số ca bệnh ở nước này có thể tăng nhanh giống như Anh, nơi Delta cũng đang là biến thể trội.

“Chúng ta đang bước vào một thời kì khó khăn. Có khả năng - nếu quỹ đạo của chúng ta giống với Anh - thì số ca mắc mới mỗi ngày ở Mỹ có thể lên tới 200.000 ca”, ông Frieden nói, đồng thời dự đoán điều này có thể sẽ xảy đến trong khoảng bốn đến sáu tuần tới.

Dữ liệu thống kê cho thấy lần cuối cùng nước Mỹ ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi ngày là vào tháng Một năm nay. Thời điểm đó, mỗi ngày Mỹ có thêm khoảng 3.000 - 4.000 ca tử vong.

Theo bác sĩ Frieden, Mỹ có thể sẽ không phải tiếp tục chứng kiến “những cái chết kinh hoàng” như thời kì trước, vì nhiều đối tượng dễ nhiễm bệnh đã được tiêm chủng. “Nhưng bạn vẫn sẽ thấy số người chết tăng đều đặn. Đây là những cái chết có thể phòng ngừa được.”

Đẩy mạnh tiêm chủng, đeo khẩu trang

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 56,9% tổng dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, và 49,2% được tiêm đủ cả hai liều. Tỉ lệ này ở nhóm dân số trên 18 tuổi lần lượt là 69,1% và 60,1%.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang bắt đầu chậm lại. Các chuyên gia y tế lo ngại biến thể Delta sẽ tấn công các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp, khiến mọi công sức phòng dịch của Mỹ từ trước đến nay “trôi sông đổ bể”.

Bộ Cựu chiến binh Mỹ hôm thứ Hai đã trở thành cơ quan liên bang đầu tiên yêu cầu các nhân viên y tế phải tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong vòng hai tháng tới, vì đối tượng phục vụ chính của các trung tâm chăm sóc cựu chiến binh là người cao tuổi.

Cùng ngày, Thị trưởng New York Bill de Blasio thông báo rằng tất cả nhân viên công vụ của thành phố sẽ được yêu cầu tiêm vắc xin trước hạn chót giữa tháng Chín, hoặc phải xét nghiệm hàng tuần. Đối tượng áp dụng quy định này là 340.000 nhân viên của thành phố, bao gồm lính cứu hỏa, cảnh sát và giáo viên.

Một nguồn tin của CNN cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ sớm công bố quy định tiêm vắc xin bắt buộc, hoặc xét nghiệm thường xuyên bắt buộc đối với các nhân viên liên bang. Phát biểu tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông Biden úp mở rằng phương án này đang được xem xét.

Ngoài việc kêu gọi tiêm chủng, CDC Mỹ ngày 27/7 cũng khuyến nghị người đã tiêm đủ liều nên tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín. Giáo viên và học sinh các cấp đeo được khuyên nên đeo khẩu trang khi trở lại trường học vào mùa thu tới, bất chấp tình trạng tiêm chủng.

Khuyến nghị này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố mà CDC Mỹ đưa ra cách đây hai tháng, khi cơ quan này khẳng định người dân đã tiêm phòng đầy đủ có thể trở lại các khu vực trong nhà như nhà hàng, công sở… mà không cần đeo khẩu trang.

Hướng dẫn của CDC Mỹ không phải là luật, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn đến các chính sách của chính phủ liên bang và chính quyền địa phương. Trước khi CDC phát đi cảnh báo mới nhất, một số khu vực ở Mỹ đã một lần nữa khuyến cáo người dân đeo khẩu trang vì số ca bệnh tăng đột biến.

Theo Giám đốc CDC Mỹ - bà Rochelle Walensky, dữ liệu mới cho thấy những người nhiễm biến thể Delta - đã tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng - có tải lượng virus cao hơn so với các biến thể trước đó. Điều đó có nghĩa là ngay cả những người đã được tiêm phòng cũng có thể truyền virus cho người khác.

Ngoài ra, theo bà Walensky, phần lớn các ca bệnh phải nhập viện và tử vong ở Mỹ thời gian gần đây là những người chưa tiêm chủng. Người đứng đầu CDC nhấn mạnh vắc xin vẫn đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

“Nhưng mối quan tâm lớn nhất ở thời điểm hiện tại là các biến thể mới có thể sẽ xuất hiện. Có thể chỉ sau vài lần đột biến nữa, virus sẽ trốn được vắc xin.”

Tổng thống Joe Biden cho biết khuyến nghị mới nhất của CDC là bước cần thiết để đánh bại virus. Ông tuyên bố sẽ sớm thông báo về các bước tiếp theo trong chiến dịch đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng.

“Việc đẩy mạnh tiêm chủng và đeo khẩu trang ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta sẽ giúp chúng ta tránh được việc phải phong tỏa, đóng cửa, nghỉ học… như giai đoạn năm 2020.”

Minh Hạnh

Theo BI, CNBC, USA Today

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vien-canh-den-toi-my-co-nguy-co-ve-lai-moc-200-000-ca-mac-moi-covid-19-moi-ngay-post1360167.tpo