Viễn cảnh Phần Lan gia nhập NATO nếu thành sự thực sẽ gây áp lực cực lớn lên biên giới phía Bắc của Nga, đặc biệt khi Helsinki được xem như "khắc tinh" của Moskva từ cuộc Chiến tranh mùa Đông năm 1939.
Sự thay đổi tình trạng địa chính trị (nếu có) của nước láng giềng phía Bắc vốn trước đây giữ thái độ trung lập sẽ đặt ra một loạt các mối đe dọa bổ sung đối với Nga.
Thực tế là Phần Lan có thể tạo ra nhiều vấn đề với Nga, ngay cả khi không triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của NATO và lực lượng quân sự dự phòng trên lãnh thổ của mình, bởi bản thân lực lượng vũ trang nước này cũng là một thế lực đáng gờm.
Trước hết, Hải quân Phần Lan có gần 20 tàu quét mìn, 8 tàu tên lửa 2 tàu đổ bộ và 12 tàu phụ trợ. Nói cách khác, Helsinki không chủ trương va chạm trực diện với kẻ thù ở Baltic, mà dựa vào chiến thuật cài đặt các bãi thủy lôi, thứ mà họ có thể nhanh chóng gỡ bỏ nếu cần thiết.
Cần lưu ý đối với Nga, lối ra từ St.Petersburg qua Vịnh Phần Lan đến Biển Baltic một mặt bị Estonia đóng, mặt khác bị chặn bởi Phần Lan. Các tàu thuộc Hạm đội Baltic của Nga sẽ bị phong tỏa đường ra nếu phía trước là bãi thủy lôi dày đặc.
Nếu Helsinki cũng tham gia trò chơi này, mọi thứ sẽ trở nên rất tệ với Nga, đầu tiên thành phố St.Petersburg quan trọng thứ hai của Nga sẽ bị đóng cửa, và tuyến đường biển đến Kaliningrad sẽ bị cắt đứt.
Thứ hai, rủi ro liên quan đến St.Petersburg và khu vực Kaliningrad sẽ tăng mạnh khi Phần Lan nhận 64 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35A Lightning II đặt hàng từ Mỹ.
Phần Lan còn mua 120 tên lửa không đối đất AGM-158 JASSM, được thiết kế để tấn công các mục tiêu quan trọng, và máy bay chiến đấu F-35A có thể được sử dụng làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân.
Phần Lan không che giấu rằng họ đang hướng các loại vũ khí trên vào Nga nhằm đề phòng "kịch bản Ukraine". Mối đe dọa từ máy bay và tên lửa hành trình Mỹ đối với toàn bộ vùng Tây Bắc nước Nga là hoàn toàn có thật.
Một cuộc không kích thậm chí giả định sử dụng cả vũ khí hạt nhân từ Phần Lan vào một thành phố lớn như St.Petersburg sẽ là một thảm kịch và tổn thất không thể bù đắp được đối với người dân Nga.
Thứ ba, Lực lượng vũ trang Phần Lan có quy mô tương đối nhỏ, nhưng họ đang ở trong tình trạng rất tốt, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của NATO, như vậy họ có thể gia nhập Liên minh bất cứ lúc nào.
Đối với những người trẻ tuổi ở Phần Lan, phục vụ trong quân đội được coi là một vinh dự và điều đáng mơ ước, vì nó cho phép họ xây dựng sự nghiệp tốt hơn trong tương lai. Hàng năm có trên 30 nghìn tân binh phục vụ, và 35 nghìn quân nhân dự bị được đào tạo lại chuyên môn.
Quân đội Phần Lan được mài dũa sắc bén để bảo vệ lãnh thổ, từ lịch sử của các cuộc chiến trong quá khứ, Nga vẫn nhớ đến việc lực lượng vũ trang láng giềng đã được sử dụng như thế nào để phong tỏa Leningrad.
Sự hiện diện của một đội quân nước ngoài được đào tạo bài bản, có động cơ gần St.Petersburg sẽ gây căng thẳng liên tục cho Bộ Quốc phòng Nga.
Ở đây Moskva chỉ đang nói về bản thân Hải quân, Không quân và Lục quân của Phần Lan mà không xem xét cách Mỹ và khối NATO có thể tăng cường sức mạnh bằng cách đưa lực lượng đồn trú tới đây.
Do vậy, viễn cảng Phần Lan gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là điều rất không mong muốn đối với nước Nga.
Bạch Dương