Viễn cảnh phương tiện tự lái hoàn toàn có thể không thành hiện thực
Sự phát triển của công nghệ tự lái đang thu hút hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư. Nhưng các nhà lãnh đạo trong ngành cho biết viễn cảnh các thiết bị tự lái bao gồm xe tải, robot và máy bay không người lái (drone) giao hàng có thể tự chủ hoàn toàn mà không cần đến sự giám sát của con người có thể không bao giờ trở thành hiện thực.
Trên thực tế, luôn có những tình huống bất ngờ mà thiết bị tự lái không đủ năng lực tự xử lý, chẳng hạn cây cối ngã đổ trên đường, mất tín hiệu giao thông, đường sá đang sửa chữa…
Các tài xế giao hàng trong tương lai có thể không cần trực tiếp giao các gói hàng đến nhà của khách hàng. Thay vào đó, họ sẽ ngồi cách xa điểm giao hàng vài dặm hoặc thậm chí cách xa nhiều múi giờ trong một phòng điều khiển để giám sát một đội xe robot hoặc máy bay không người lái giao hàng.
Các công ty đang đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào công nghệ tự lái mà họ hy vọng sẽ giúp cải thiện tính hiệu quả và giải quyết tình trạng thiếu nhân công. Nhưng các lãnh đạo trong ngành này nói rằng xe tự lái hoàn toàn sẽ mất nhiều năm nữa để triển khai và có thể không bao giờ đến.
Vì vậy, họ đang cố gắng gia tăng đáng kể số lượng thiết bị tự lái mà mỗi con người có thể giám sát. Chẳng hạn, Công ty giao thực phẩm Serve Robotics đang sử dụng một nhân viên giám sát trong phòng điều khiển cho mỗi 4 robot giao hàng trên đường phố. Ali Kashani, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Serve Robotics, cho biết rốt cục số robot giao hàng được giám sát bởi một nhân viên sẽ tăng lên theo thời gian, có thể lên con số hàng trăm.
Hiện nay, robot giao hàng vận hành trên các vỉa hè, nơi có các vật cản như xe scooter và thùng rác. Xe hơi và xe tải tự lái có thể vận hành dựa vào vạch dấu sơn trên đường và tín hiệu giao thông hướng dẫn đường đi của chúng. Nhưng chúng có thể không tự xử lý được những tình huống bất ngờ chẳng hạn như phải băng qua vạch đôi màu vàng (phân chia hai chiều xe chạy) vì có công trình sửa chữa đường ở phía trước đường đi của chúng. Đó là khi con người cần can thiệp bằng cách ra lệnh chúng phải làm gì hoặc tiếp quản quyền kiểm soát chúng bằng hệ thống điều khiển từ xa.
Xe nâng hàng là một trong những phương tiện được trang bị công nghệ điều khiển từ xa tiên tiến nhất, cho phép người lái xe vận hành chúng từ cách xa hàng trăm dặm. Gần đây, nhà phát triển phần mềm điều khiển xe nâng hàng từ xa Phantom Auto (Mỹ) đã huy động được 42 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn do Công ty vận tải đường bộ ArcBest Corp và Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần NFI Industries dẫn đầu. Hai công ty này đang lên kế hoạch triển khai hàng ngàn xe nâng hàng được điều khiển từ xa, cho phép họ thu hút được nhiều lái xe có kỹ năng cao hơn, có thể làm việc ở khoảng cách xa.
Elliot Katz, người đồng sáng lập Phantom Auto, cho biết: “Công nghệ tự lái có những hạn chế, đặc biệt là khi triển khai ở trong một môi trường năng động như nhà kho, nơi mọi người và các phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh và có nhiều thứ khác trên sàn nhà”.
Một số công ty công nghệ vận tải đường dài cho rằng việc điều khiển xe tải từ xa trên đường công cộng không an toàn vì phải dựa vào tín hiệu không dây có thể bị gián đoạn. Thay vào đó, họ đang đặt hy vọng kết hợp công nghệ tự lái với những nhân viên giám sát từ xa để đưa ra hướng dẫn khi xe tải cần đưa ra quyết định bất ngờ, chẳng hạn như liệu nó có nên đi vào làn đường khẩn cấp để tránh một chiếc xe bị chết máy ở phía trước hay không.
Rocky Garff, người đứng đầu bộ phận vận tải đường bộ của Waymo, công ty phát triển công nghệ tự lái, có trụ sở tại California, nói: “Những nhân viên giám sát này phải là những tài xế có kinh nghiệm, biết cách xe tải hoạt động và có thể đóng một vai trò trong việc giúp hệ thống tự lái của chúng tôi hoạt động hiệu quả”.
Hiện nay, các xe tải sử dụng công nghệ tự lái của Waymo đều sử dụng “các chuyên gia tự hành” ở ghế lái. Garff nói rằng mất vài năm nữa, xe tải đường dài mới có thể tự chạy mà không có người giám sát ngồi trong xe và với điều kiện nó phải chạy trên đường cao tốc.
Gatik AI, công ty phát triển công nghệ tự lái cho những xe tải nhẹ chuyên thực hiện các chuyến vận chuyển hàng hóa ở quãng đường ngắn, đang vận hành các xe tải di chuyển liên tục suốt hành trình mà không có tài xế giám sát trực tiếp trên xe. Công ty này đã vận chuyển hàng của tập đoàn bán lẻ Walmart từ các trung tâm phân phối đến các siêu thị bán lẻ ở Bentonville, bang Arkansas.
Gautam Narang, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Gatik AI, cho biết nhân viên giám sát từ xa sẽ can thiệp khi xe tải của công ty gặp phải tình huống không lường trước được, chẳng hạn như cây cối đổ chắn ngang đường.
Khi ra mắt dịch vụ vào năm 2019, mỗi xe tải của Gatik AI có một nhân viên giám sát và họ thường can thiệp hỗ trợ 1-2 lần trên mỗi chuyến vận chuyển hàng. Hiện nay, nhân viên giám sát của công ty chỉ can thiệp hỗ trợ 1-2 lần mỗi tuần. Công ty có kế hoạch nâng số xe tải được giám sát bởi một nhân viên lên 5 xe vào năm tới. Narang kỳ vọng trong 5 -7 năm nữa, một nhân viên của Gatik AI có thể giám sát 40 xe tải tự hành, nhưng sẽ luôn có một nhân viên giám sát dự phòng.
Các nhân viên cũng đang giám sát các drone mà công ty Flytrex Aviation của Israel sử dụng để giao đồ ăn đến tận nhà khách hàng trong bán kính 3,2 km từ 5 trung tâm mua sắm ở bang Bắc Carolina và bang Texas. Các drone của công ty bay ở độ cao khoảng 70 mét để đưa đồ ăn đến sân của khách hàng, nơi chúng bay lơ lửng cách mặt đất 24 mét và hạ đồ ăn xuống bằng dây.
Yariv Bash, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Flytrex Aviation, cho biết công ty ông sử dụng một nhân viên vận hành từ xa cho mỗi hai drone. Những người này theo dõi các drone trên màn hình và chỉ cần nhấn nút là có thể ra lệnh cho chúng bay trở về hoặc đến điểm hạ cánh khẩn cấp đã được chỉ định trước.
Flytrex Aviation dự kiến sẽ sớm tăng số lượng drone mà mỗi nhân viên giám sát phụ trách lên 20, mức tối đa mà Cục Hàng không liên bang Mỹ ( FAA) cho phép.
Yariv Bash cho rằng vận hành drone mà không có người giám sát sẽ chưa trở thành hiện thực trong tương lai gần. Ông nói: “Bạn vẫn muốn có con người để can thiệp và triệu hồi drone trong trường hợp có điều bất ngờ xảy ra”.
Theo WSJ
Lê Linh