Viễn cảnh 'xám màu' về giá gạo toàn cầu

Trong bối cảnh thời tiết vẫn diễn biến bất lợi và lệnh cấm xuất khẩu chưa được Ấn Độ nới lỏng, giá gạo – một trong những loại lương thực thiết yếu-trên phạm vi toàn cầu khó có thể hạ nhiệt đáng kể trong năm nay.

Vài năm gần đây, cuộc khủng hoảng lương thực đẩy giá ngũ cốc và các loại hạt có dầu lên cao góp phần tạo động lực để nông dân nhiều nước mở rộng đáng kể diện tích canh tác. Sau một thời gian tăng mạnh, giá gạo, lúa mì, ngô và đậu nành… bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm nhờ các nút thắt ở Biển Đen trong vòng xoáy khủng hoảng tại Ukraine và lo ngại về suy thoái toàn cầu dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, không vì thế mà người tiêu dùng có thể lạc quan trong năm nay.

Báo cáo mới nhất về triển vọng hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, giá gạo toàn cầu sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025. Giá gạo trên thế giới năm 2023 ước tăng trung bình hơn 28% so với năm trước đó và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm nay. WB chỉ ra nguyên nhân chính là do El Nino cùng những phản ứng với chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng. Cùng với đó, nhu cầu về gạo cũng tăng lên do mặt hàng này trở thành một lựa chọn thay thế sau khi giá các loại ngũ cốc chính khác tăng vọt vì cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính đến năm 2031, nhu cầu gạo dự kiến tăng 1,1% mỗi năm.

Theo Bloomberg, tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp, vốn gây khô hạn và nắng nóng ở hàng loạt nước trong năm ngoái, được dự báo kéo dài đến hết nửa đầu năm nay, gây bất lợi cho nguồn cung gạo và các nông sản khác ở một số nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Đơn cử, sản lượng gạo trái vụ từ Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý I-2024 do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp. Trong khi đó, nông dân Trung Quốc hay Indonesia cũng đang chống chọi với hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng trồng lúa. Để bảo đảm nguồn dự trữ quốc gia, Chính phủ Indonesia quyết định nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm nay.

">

Công nhân vận chuyển gạo đến một kho hàng tại thành phố Navi Mumbai, bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Còn nhớ, thị trường gạo toàn cầu năm 2023 đã chứng kiến sự biến động mạnh do lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ-nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 40% thị phần, tiếp theo là hai “vựa lúa” Thái Lan và Việt Nam. Giá gạo tăng lên mức cao nhất vào năm ngoái kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008, với mức báo giá tại một số trung tâm xuất khẩu của châu Á tăng tới 40-45%. Tất nhiên, thiệt hại lớn nhất thuộc về các quốc gia phụ thuộc vào gạo Ấn Độ như Bangladesh, Nepal hay một số nước châu Phi. Theo các chuyên gia, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi cuộc bầu cử ở nước này hoàn tất vào tháng 5 tới, xuất phát từ việc Thủ tướng Narendra Modi muốn tạo lợi thế trước các đối thủ trong cuộc đua chính trị từ nỗ lực giữ giá cả ở mức thấp.

Gạo là lương thực rất quan trọng đối với chế độ ăn của hàng tỷ người. Đặc biệt, loại ngũ cốc này đóng góp tới 60% tổng lượng calo cho người dân ở các vùng của Đông Nam Á và châu Phi, hay tăng lên 70% như ở Bangladesh. Trong một bài viết trên CNBC, nhà phân tích hàng hóa Charles Hart tại công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions đánh giá, vì gạo là mặt hàng lương thực chính tại nhiều thị trường nên giá gạo là yếu tố chính quyết định lạm phát giá thực phẩm và an ninh lương thực, đặc biệt với các gia đình thuộc nhóm nghèo nhất. Tình trạng thiếu gạo cũng khiến giá của những loại lương thực khác tăng cao, từ đó có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/vien-canh-xam-mau-ve-gia-gao-toan-cau-760782

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/636555-vien-canh-xam-mau-ve-gia-gao-toan-cau.html