Như tin đã đăng, hôm 23/6 đã xảy ra vụ đụng độ giữa tàu khu trục HMS Defender (D36) của Anh với tàu tuần tra và máy bay ném bom Nga, địa điểm tại khu vực Mũi Fiolent, gần bán đảo Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982 và thúc giục Anh tiến hành điều tra kỹ lưỡng hành động của thủy thủ đoàn để ngăn chặn xảy ra vụ việc tương tự trong tương lai.
Tuy nhiên, Anh sau đó cho rằng không có vấn đề gì, mặc dù việc quân đội của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đụng độ với cường quốc hạt nhân khác có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Theo Viện Russtrat, rất khó để tin Quân đội Anh đã phối hợp hành động của họ trong lãnh hải của Nga với trụ sở NATO ở Brussels cũng như các thành viên hàng đầu của liên minh.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi London vẫn tuyên bố ủng hộ Kiev.
“Chính sách của Nga ở Biển Đen và Biển Azov, việc chiếm đóng cũng như quân sự hóa Crimea là mối đe dọa thường xuyên đối với Ukraine và các đồng minh. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh sự tương tác giữa NATO và Ukraine ở Biển Đen là cần thiết", Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba lên tiếng.
Trước tình hình trên, theo Viện Russtrat,m: Anh - với tư cách là thành viên NATO, cùng với Ukraine - nước không phải là thành viên NATO, đang lợi dụng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương vì lợi ích riêng của họ.
Phương Tây - đặc biệt là các nước thành viên NATO nên suy nghĩ về điều này. Họ có muốn London tiếp tục gây hại cho tất cả? Và Vương quốc Anh có nên tiếp tục là một phần của liên minh?
Thứ nhất, điều này liên quan đến Washington. Thực tế là hành động của Hải quân Anh diễn ra ngay sau cuộc gặp tại Geneva giữa Tổng thống Mỹ và Nga dường như không phải là ngẫu nhiên.
London không hài lòng về việc hai nhà lãnh đạo bắt đầu đạt được các thỏa thuận, có thể dẫn đến việc tạo ra kênh đối thoại mang tính hệ thống, bao gồm cả vấn đề quốc phòng - an ninh.
Do vậy Anh có những hành động khiêu khích nhằm ngăn cản Washington và Moskva làm việc một cách xây dựng với nhau. Đây là vấn đề đầu tiên.
Thứ hai, trong tình hình hiện tại, London thực sự đang hành xử giống như Thổ Nhĩ Kỳ - những người có hành động đơn phương ở Syria.
Hành động của Ankara khi không tham vấn các đồng minh Mỹ và châu Âu đã gây ra phản ứng vào tháng 12/2019 và tháng 5/2021 bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người cảnh báo rằng NATO đang "chết não".
Chính sách chống Nga của Anh với sự tham gia của Kiev cũng không thể chấp nhận được đối với Đức - nước đang làm việc với Paris và Moskva theo định dạng Normandy ở Ukraine.
Ngoài ra cần nhắc tới việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất tổ chức một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU với Putin, điều mà Tổng thống Pháp Macron ủng hộ và London cũng đang thực hiện sáng kiến này.
Trên thực tế, Anh nhằm tái tạo hiệu ứng của bài phát biểu của Fulton - được Cựu thủ tướng Winston Churchill đưa ra vào ngày 5/3/1946, và báo hiệu sự bắt đầu của Chiến tranh Lạnh, vốn có mọi cơ hội leo thang thành một cuộc chiến tranh nóng.
Thoạt nhìn, khi giao ưu thế chính trị cho Washington trong việc xây dựng hòa bình sau Thế chiến II, London đã đạt được lợi ích cho chính mình: buộc người Mỹ coi Anh là đối tác chính của họ và ngăn cản Mỹ cũng như châu Âu đàm phán với Liên Xô.
Viện Russtrat khẳng định vì lợi ích của Washington, Berlin và Paris nên ngăn chặn ý định của "liên minh Anh - Ukraine" nhằm lặp lại kịch bản đã được London thử nghiệm vào năm 1946.
Liên quan đến Kiev, NATO có thể thiết lập lệnh cấm Quân đội Ukraine tham gia vào bất kỳ cuộc tập trận hoặc hoạt động nào của liên minh trong thời gian ít nhất 5 năm, cũng như chấm dứt đối thoại chính trị Kiev - NATO cho đến khi Ukraine thay đổi quan điểm chống Nga của họ.
Đối với London - để cảnh báo về nguy cơ hành động đơn phương chống lại Nga mà không tham vấn sâu rộng với các nước thành viên NATO, Viện Russtrar "gợi ý" liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên hủy bỏ tư cách thành viên của Anh.
Việt Dũng