Viên chức điều hành, làm việc tại doanh nghiệp phải được cơ sở quản lý cho phép
Viên chức tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức KHCN, CSGDĐH công lập thành lập, phải có đơn xin phép được sự đồng ý của cơ sở quản lý.
Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm một số mô hình quản lý linh hoạt, giao quyền tự chủ rộng rãi hơn cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định rõ về một số nội dung quan trọng như: việc viên chức tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp; cơ chế quản lý tài chính; quản lý, sử dụng kinh phí; tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư chíp bán dẫn, công nghệ cao...
Viên chức phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của cơ sở quản lý
Về quản lý nhân sự làm khoa học, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đối với viên chức, viên chức quản lý tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập, Nghị định số 88/2025/NĐ-CP nêu rõ:
Trường hợp có nhu cầu tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại các doanh nghiệp do tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập hoặc tham gia thành lập, viên chức, viên chức quản lý phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức.
Người đứng đầu tổ chức, cơ sở quản lý viên chức quyết định cử viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý hoặc làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức, cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập, thì quyết định cử viên chức phải quy định rõ về thời gian, hình thức (kiêm nhiệm, biệt phái, điều động, đại diện phần vốn góp); đơn vị trả lương, thưởng, phụ cấp; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức đối với tổ chức, cơ sở cử viên chức và đối với doanh nghiệp mà viên chức, viên chức quản lý tham gia điều hành, quản lý làm việc.
Nghị định cũng quy định quyền và nghĩa vụ của viên chức, viên chức quản lý khi tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Nhóm nghiên cứu không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung
Về cơ chế quản lý tài chính, Nghị định số 88 cũng quy định linh hoạt về các cơ chế về quản lý tài chính, khoán chi, không hoàn trả kinh phí trong trường hợp nghiên cứu không thành công nếu đã tuân thủ đúng quy định… đã giúp giảm đáng kể áp lực tâm lý cho các nhóm nghiên cứu, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ tinh thần thử nghiệm, đổi mới và dám nghĩ, dám làm.
Theo đó, trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đạt được kết quả cuối cùng như dự kiến, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không phải hoàn trả lại ngân sách nhà nước số kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ.
Tuy nhiên, sẽ phải hoàn trả một số khoản kinh phí như: kinh phí đã cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại tài khoản tiền gửi ở Kho bạc Nhà nước của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ mà chưa sử dụng sau khi trừ đi số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ; Số nợ phải trả của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ là số tiền tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ phải thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ, công lao động đã thực hiện mà chưa được thanh toán; Kinh phí tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nội dung nghiên cứu hoặc cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa thực hiện; Kinh phí đã sử dụng không đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ .
Nghị định cũng quy định về việc lập dự toán, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ. Cụ thể, việc lập dự toán căn cứ hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ về kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng năm. Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ dự kiến thực hiện trong năm thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Việc quyết toán, xét duyệt quyết toán, thẩm tra và tổng hợp quyết toán và các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị định nhấn mạnh tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ được thực hiện định kỳ hàng năm.
Quản lý, sử dụng kinh phí thông qua quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Nghị định này quy định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị:
Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm:
Ban hành quy chế chi tiêu nội bộ để quản lý việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và áp dụng công khai, minh bạch;
Sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ; bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm;
Thanh toán với cơ quan, đơn vị được giao quản lý kinh phí, cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ chịu trách nhiệm về hồ sơ lập dự toán kinh phí, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đúng quy định của pháp luật; lưu trữ hồ sơ của nhiệm vụ, tài liệu minh chứng việc sử dụng kinh phí; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm chứng từ hợp lý, hợp pháp và sẵn sàng giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
Việc sử dụng kinh phí sai mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu được nêu tại Thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ và các hành vi vi phạm khác làm thất thoát ngân sách nhà nước, ngoài việc bị thu hồi kinh phí còn bị xử lý theo quy định của pháp luật…
Cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ có trách nhiệm:
Xây dựng Quy chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gửi cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính cấp trên;
Thanh toán kinh phí cho các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Quy chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và theo tiến độ;
Kiểm tra hồ sơ, chứng từ thanh toán theo quy định và lập chứng từ chuyển tiền gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để thanh toán tiền từ tài khoản tiền gửi của quỹ cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
Tổ chức kiểm tra, đánh giá để bảo đảm việc sử dụng kinh phí của các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ giải ngân;
Xem xét, quyết định việc thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán việc sử dụng kinh phí của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở đảm bảo tiến độ thời gian lập và nộp báo cáo tài chính cho cơ quan chủ quản thực hiện xét duyệt quyết toán và tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính. Kinh phí thuê kiểm toán độc lập được bố trí trong nội dung chi cho công tác quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan, đơn vị.
Về việc quyết toán, xét duyệt quyết toán, thẩm tra và tổng hợp quyết toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tùy theo tình hình thực tế để quyết định việc giao quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc, bổ sung ủy viên chuyên trách trong Hội đồng quản lý quỹ nhưng không phát sinh cơ quan, đơn vị mới, không tăng biên chế hưởng lương ngân sách.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ phát triển khoa học và công nghệ được thực hiện như sau: Định kỳ hàng năm thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao quản lý quỹ có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ trên cơ sở các kết quả tài trợ, hỗ trợ, giải ngân của quỹ và chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Quốc gia, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cơ quan chủ quản; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc tự đánh giá hoặc thuê tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện đánh giá độc lập để đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ. Kinh phí thực hiện việc đánh giá từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư chíp bán dẫn, công nghệ cao
Cụ thể, Nghị định quy định về tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam, như sau:
Tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam: Được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chíp bán dẫn; Có vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính trong năm gần nhất nộp hồ sơ đáp ứng ít nhất 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mục đích sử dụng, kỹ thuật, công nghệ sau: Mục đích sử dụng (Nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng hoàn chỉnh của Việt Nam); Công nghệ (Si CMOS có kích thước node từ 65 nm trở xuống hoặc Compound từ 250 nm trở xuống); Công suất (Tối thiểu 1.000 wafer/tháng); Nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030.
Về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao: Lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam có đề xuất công nghệ cao nhất (kích thước node nhỏ nhất); Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ thì lựa chọn doanh nghiệp có đề xuất mức công suất cao hơn; Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ và mức công suất thì sẽ lựa chọn doanh nghiệp có đề xuất mức đầu tư dự án thấp hơn; Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ, mức công suất, mức đầu tư thì sẽ lựa chọn doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao hơn nếu tại báo cáo tài chính trong năm gần nhất.
Về trách nhiệm kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp trong việc đề nghị hỗ trợ tài chính:
Định kỳ hàng quý, doanh nghiệp gửi báo cáo kết quả và tiến độ triển khai kế hoạch với Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 05 tháng đầu tiên của quý kế tiếp. Trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đoàn công tác kiểm tra, giám sát về tiến độ thực hiện.
Đối với các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tài chính như: Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này khi được cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thực tế theo quy định; Giả mạo hồ sơ, sử dụng chứng từ bất hợp pháp; báo cáo, kê khai không chính xác thông tin, số liệu dẫn đến việc xác định số tiền hỗ trợ tài chính được hưởng cao hơn mức thực tế đáp ứng… hình thức xử lý vi phạm được quy định như sau:
Trong trường hợp nhà máy không hoàn thành nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030 hoặc được nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030 nhưng không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này, doanh nghiệp được hỗ trợ có trách nhiệm: Hoàn trả toàn bộ ngân sách nhà nước đã hỗ trợ; Nộp tiền lãi suất với tỷ suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng công bố tại thời điểm bồi hoàn của 03 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước.
Thời hạn doanh nghiệp phải nộp trả tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước quy định tại điểm a khoản này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý vi phạm.
Về việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và loại trừ một số yếu tố khi thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:
Doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng dự án nhà máy đầu tiên phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 193/2025/QH15, trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án và không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
Doanh nghiệp không được hạch toán các khoản chi từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trường hợp thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng mạng 5G, tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư dự án phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển, đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên, thực hiện trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định mà chưa được tính toán khi cơ quan đại diện chủ sở hữu giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, dẫn đến phát sinh lỗ thì doanh nghiệp được loại trừ khoản lỗ của những dự án này và số trích lập tăng thêm vào Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khi đánh giá, xếp loại doanh nghiệp trong năm tài chính thực hiện dự án.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm hạch toán riêng doanh thu, chi phí, lãi, lỗ phát sinh của dự án.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/4/2025.
Xem toàn bộ Nghị định, TẠI ĐÂY.