'Viện cớ' khơi thông vũng cạn, doanh nghiệp khai thác cát ngoài ranh giới cấp phép
Một số hộ dân tại xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã phản ánh về việc một doanh nghiệp khai thác cát sông tại địa phương tiến hành hút cát ngoài ranh giới được cấp phép. Thêm nữa, việc vận chuyển cát ra khỏi bến cũng khiến người dân lo ngại sẽ gây hư hỏng đường giao thông, vốn là đường dẫn vào cánh đồng xã Buôn Choáh.
Phóng viên TTXVN tại Đắk Nông đã tìm hiểu thực tế. Tại hiện trường vào một số ngày từ 20 - 26/9, phóng viên ghi nhận chủ mỏ cát sử dụng 2 phương tiện để khai thác cát. Trong đó, một phương tiện thường xuyên neo đậu trên sông Krông Nô (phía tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông) là tàu khai thác cát có tải trọng khoảng 50 m3. Phương tiện còn lại cũ kỹ, không gắn biển kiểm soát lẫn tên tàu, không có ngăn chứa cát, dân địa phương thường gọi là “phà hút” nằm sâu bên trong bến và hút cát trực tiếp từ vũng cạn lên bãi.
Hàng ngày, nhiều xe ben, chủ yếu loại 4 “chân” (tổng trọng lượng cả xe lẫn cát khoảng 35 - 40 tấn) liên tục ra, vào bến để chở cát.
Theo một đại diện của bến cát, bến mới đi vào hoạt động và lượng cát khai thác được chưa nhiều. Giá cát bán tại bãi khoảng 200.000 đồng/m3. Tuy nhiên, nếu khách mua số lượng nhiều có thể được tính giá “mềm” hơn. Hình ảnh ghi nhận cho thấy, phần lớn cát được bơm lên bãi, sau đó được bán cho các xe ben đều từ chiếc phà hút, đúng như phản ánh của một số hộ dân trước đó.
Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, khu vực vũng cạn nằm ngoài ranh giới được cấp phép khai thác cát và việc hút cát tại đây sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy, gây sạt lở bờ sông.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, đơn vị được cấp phép khai thác cát tại mỏ cát B (thôn Buôn Choáh, xã Buôn Choáh) và tập kết tại bến cát nêu trên là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sài Gòn - Đắk Nông (gọi tắt là Công ty Sài Gòn - Đắk Nông). Doanh nghiệp này vừa có thông báo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, các đơn vị liên quan về việc bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác cát tại mỏ cát B, xã Buôn Choáh từ ngày 25/8/2023.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Đắk Nông cấp cho Công ty Sài Gòn - Đắk Nông, Công ty này được cấp phép khai thác cát tại mỏ cát B, xã Buôn Choáh với công suất 20.000 m3/năm. Giấy phép của UBND tỉnh Đắk Nông cũng nêu rõ, việc khai thác phải đúng tọa độ, diện tích; đúng quy định về giao thông đường thủy nội địa; không gây sạt lở bờ sông, sạt lở đất sản xuất của người dân…
Văn phòng UBND huyện Krông Nô cho biết, trước khi bắt đầu khai thác cát vào ngày 25/8 vừa qua, Công ty Sài Gòn - Đắk Nông đã có 1 đơn đề nghị gửi UBND huyện Krông Nô, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Buôn Choáh để đề nghị chuẩn bị các công tác phụ trợ. Theo đó, Công ty này đề nghị được khơi thông “lòng tàu” (từ dùng trong đơn đề nghị của Công ty, tức vũng cạn đã nêu ở trên) để làm nơi tập kết tàu thuyền. Đồng thời, cho phép Công ty sử dụng con đường gần 400m nối từ bến cát ra đường huyện 58 để vận chuyển cát.
Liên quan tới các đề nghị này, các ngành chức năng của huyện Krông Nô, UBND xã Buôn Choáh đã kiểm tra thực địa và thống nhất với đề xuất của Công ty Sài Gòn - Đắk Nông liên quan tới việc sử dụng đoạn đường gần 400m để vận chuyển cát. Với điều kiện việc vận chuyển phải phù hợp với sức chịu tải của tuyến đường và Công ty Sài Gòn - Đắk Nông phải chịu trách nhiệm sửa chữa, cải tạo nếu đường xuống cấp, hư hỏng.
Đáng chú ý, đối với kiến nghị khơi thông vị trí gần cù lao (tức vũng cạn để tập kết tàu thuyền khai thác cát), đại diện UBND huyện Krông Nô cho biết, tại biên bản kiểm tra thực địa với sự tham gia của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND xã Buôn Choáh, Công ty Sài Gòn – Đắk Nông, đại diện Công an huyện Krông Nô xác định khu vực này nằm ngoài ranh giới cấp phép khai thác và yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đắk Nông giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời lưu ý trong quá trình khai thác cát, nếu Công ty Sài Gòn - Đắk Nông phát hiện có sự thay đổi hiện trạng bãi bồi, phải báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra, lên phương án xử lý.
Theo một đại diện Sở Giao thông vận tải Đắk Nông, Công ty Sài Gòn - Đắk Nông mới hoàn tất thủ tục và đủ điều kiện để được cấp giấy phép đăng kiểm, đăng ký một tàu khai thác cát vào cuối tháng 8 vừa qua.
Thời gian qua, nhiều hộ dân ven sông Krông Nô thường xuyên phản ánh tình trạng các tàu hút cát khai thác gần bờ gây sạt lở bờ sông, sạt lở đất đai, cây trồng, nhà cửa. Nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp thực hiện tiến hành khai thác gần bờ, tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, các luồng lạch, vũng cạn…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, các mỏ cát được cấp phép trên sông Krông Nô đều quy định khu vực khai thác cách bờ sông từ 5 - 15m và các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp giảm thiểu sạt lở bờ sông trong quá trình khai thác.
Việc Công ty Sài Gòn - Đắk Nông đề nghị khơi thông vũng cạn ngoài phạm vi được cấp phép đã bị ngành chức năng huyện Krông Nô từ chối, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành. Các hộ dân đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc kiểm tra, xử lý theo đúng các quy định pháp luật, nhằm chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định liên quan tới hoạt động khai thác cát tại đây.