Viên đạn bắn cựu Thủ tướng Abe Shinzo 'xuyên trúng tim'
Các bác sĩ tham gia điều trị cho cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại bệnh viện cho biết ông bị trúng 2 viên đạn, bao gồm 1 viên xuyên vào tim, để lại một lỗ hổng.
Thảm kịch xảy ra khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu tại một sự kiện trước cuộc bầu cử Thượng viện ở TP Nara hôm 8-7.
Các bác sĩ cho biết ông Abe bị mất nhiều máu vì 2 vết thương sâu, một ở bên phải cổ. Khi được đưa đến bệnh viện, cựu thủ tướng đã không còn dấu hiện sinh tồn.
Một cô gái có mặt lúc đó nói với đài NHK: "Khi ông ấy đang phát biểu thì một người đàn ông tiếp cận từ phía sau. Tiếng súng đầu tiên nghe giống như một món đồ chơi. Ông ấy không bị ngã và có một tiếng động lớn. Tiếng súng thứ hai nghe rõ ràng hơn, có thể nhìn thấy tia lửa và khói. Sau tiếng súng thứ hai, mọi người vây quanh ông ấy và xoa bóp tim".
Hãng tin Jiji dẫn nguồn tin cho biết cựu Thủ tướng Abe Shinzo, 67 tuổi, ngã gục sau khi trúng đạn và có máu chảy ra từ cổ. Một quan chức khác tiết lộ ông được truyền máu.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno thông báo nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cư dân TP Nara, đã bị bắt giữ. Khám xét nhà tên này, cảnh sát phát hiện cả thuốc nổ. Yamagami được cho là cựu thành viên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).
Yamagami khai với cảnh sát rằng hắn cảm thấy "không hài lòng" về cựu Thủ tướng Abe Shinzo nên muốn giết chết ông. Tay súng đứng phía sau, cách cựu Thủ tướng Abe Shinzo khoảng 3 m lúc bóp cò. Hiện Yamagami bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát Nara Nishi.
Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố đây là hành động không thể tha thứ và mạnh mẽ lên án vụ nổ súng. Ông cũng yêu cầu tăng cường an ninh cho các quan chức hàng đầu của chính phủ.
Reuters dẫn lời các quan chức chính quyền lẫn những người dân cho biết họ bị sốc vì bạo lực chính trị rất hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản và lần gần nhất một cựu thủ tướng hoặc thủ tướng đương nhiệm bị sát hại là cách đây gần 90 năm.
Quy định tại Nhật không cho phép dân thường sở hữu súng lục và chỉ có thợ săn được cấp phép mới có thể sở hữu súng trường. Người sở hữu súng phải tham gia các lớp đào tạo, hoàn thành bài kiểm tra viết tay và được kiểm tra sức khỏe tâm thần, lý lịch kỹ càng.
Các vụ giết người hàng loạt tại Nhật thường là dùng dao.