Viện Dịch tễ học Friedrich Loeffler - Nhà tù dành cho virus nguy hiểm

Virus corona (nCoV) đang là cái tên ám ảnh với nhiều người dân trên thế giới. Cho đến nay, vẫn còn nhiều điều cần khám phá về nCoV. Loại virus này có thể sớm được nghiên cứu bởi các nhà khoa học trên đảo Reim ở Đức, một trong những nơi nguy hiểm nhất châu Âu, tập trung nhiều loại virus nguy hiểm chết người.

“Alcatraz” dành cho virus nguy hiểm

Nếu nhà tù Alcatraz nằm trong vịnh San Francisco được gọi là “nhà tù kiên cố” nhất nước Mỹ thì ở hòn đảo Reims trên biển Baltic thuộc Đức nổi tiếng với “Alcatraz virus”-nhà tù dành cho các loại virus nguy hiểm chết người.

Được xây dựng năm 1910 theo sáng kiến của nhà khoa học người Đức Friedrich Loeffler, Viện Dịch tễ học Friedrich Loeffler (FLI) là nơi nghiên cứu virus lâu đời nhất trên thế giới. Nằm trên đảo Riems ở biển Baltic, Viện FLI chiếm gần như toàn bộ hòn đảo nhỏ có chiều dài gần 1,3km, kết nối với đất liền vào đầu những năm 1970 bằng một con đê. Dưới chế độ Đức quốc xã (1933-1945), Viện FLI là nơi nghiên cứu vũ khí sinh học. Trong những năm 1949-1990, viện tập trung vào phát triển vaccine. Vào thời điểm đó, khoảng 800 người làm việc tại đây. Từ năm 2008, Chính phủ Đức đã đầu tư khoảng 300 triệu euro để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của viện.

 Toàn cảnh Viện FLI nhìn từ trên cao (theo Le Figaro).

Toàn cảnh Viện FLI nhìn từ trên cao (theo Le Figaro).

Hiện nay, Viện FLI có 89 phòng thí nghiệm được bảo vệ ở các mức độ an ninh khác nhau. Trong số đó, có nhiều phòng thí nghiệm được bảo vệ ở cấp độ bảo mật 4, mức cao nhất trong hệ thống bảo vệ an ninh. Để vào được những căn phòng này, các nhà khoa học phải mặc bộ đồ bảo vệ đặc biệt, được khử trùng ở ngay lối ra vào. Họ cũng phải vượt qua các cửa kiểm tra an ninh và phải có người dẫn đường. "Chúng tôi làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng virus không lọt ra ngoài hòn đảo. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng của chúng tôi", Phó chủ tịch Viện Dịch tễ học Friedrich Loeffler (FLI), ông Franz Conraths, cho hay.

Thomas Mettenleiter đứng đầu trung tâm nghiên cứu đặc biệt này. Ông là một trong số hàng chục người được ủy quyền tiếp cận các loại virus nguy hiểm, nhất như bệnh dại và sốt vàng da. Theo ông Thomas Mettenleiter, Viện nghiên cứu này có những bể chứa luôn ở trong nhiệt độ -181o C. Ở đây, người ta có thể bảo quản virus trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. “Đây là nơi các bể chứa được lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp. Mức oxy trong phòng được đo liên tục để phát hiện rò rỉ nhỏ nhất và đưa ra cảnh báo. Virus đã được lưu trữ từ năm 1910”, nhà khoa học Thomas Mettenleiter giải thích.

 Một nhà khoa học nữ làm việc tại Viện FLI (theo Le Figaro).

Một nhà khoa học nữ làm việc tại Viện FLI (theo Le Figaro).

Phòng thí nghiệm phát triển vaccine phòng bệnh

Trong các phòng thí nghiệm nằm ở phía nam hòn đảo Riems, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu các mầm bệnh như bệnh dại, dịch tả lợn châu Phi, virus Crimea-Congo hoặc Ebola… bằng cách thử nghiệm trên các động vật như lợn, bò với hy vọng sẽ phát triển ra vaccine phòng dịch. “Phần lớn công việc chúng tôi làm là phòng ngừa sự bùng phát của dịch bệnh”, ông Franz Conraths giải thích.

Hiện nay trên đảo đang nuôi khoảng 10.000 động vật, từ muỗi, chuột đến cá. Trong các chuồng cách ly, có từ 80 đến 100 động vật lớn như: bò, cừu, dê hoặc lợn rừng. "Chúng tôi cố gắng làm mọi thứ có thể để tiến hành phân tích mà không phải làm xét nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, tìm hiểu cơ chế sinh bệnh, phát triển bệnh và sức lây lan của dịch bệnh như thế nào thì cần phải thử nghiệm trên động vật”, Martin Bia, người đứng đầu phòng chẩn đoán trên đảo cho hay.

Ngoài Viện FLI là nơi nghiên cứu virus duy nhất ở châu Âu, người ta có thể tìm thấy các viện khác ở Winnipeg (Canada) hoặc Geelong ở (Australia).

PHƯƠNG LINH (theo Le Figaro)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vien-dich-te-hoc-friedrich-loeffler-nha-tu-danh-cho-virus-nguy-hiem-609574