'Viện dưỡng lão' thanh niên ở Trung Quốc
Gần đây các 'Viện dưỡng lão' thanh niên mọc lên như nấm ở các vùng ngoại ô và nông thôn Trung Quốc, gây xôn xao dư luận.
Gần đây, các “viện dưỡng lão” dành cho thanh thiếu niên đang mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc. Một cô gái Hà Nam hơn 20 tuổi xin nghỉ việc ở công ty, lên núi mở viện dưỡng lão thanh niên đầu tiên. Sau đó, viện dưỡng lão thứ hai và thứ ba sẽ đặt tại Trịnh Châu và Lan Châu, chưa chính thức mở cửa đã thu hút hàng chục nghìn lượt người vào tư vấn. Đội ngũ vận hành của cô công bố trên nền tảng xã hội rằng doanh thu đạt gần 7 con số (hàng triệu NDT) chỉ sau 3 tháng, đồng thời tiếp tục tuyển dụng đối tác và có kế hoạch phát triển ra khắp Trung Quốc.
Tiểu Hứa, giám đốc một viện dưỡng lão thanh niên mới mở ở ngoại ô Tô Châu nói mỗi người chỉ tốn 500 NDT (1.750.000 VND) để vào sống một tuần. Cơ sở của anh ta đầu tháng này mới khai trương nhưng đã có hàng trăm khách đăng ký chờ vào ở. Một năm trước, Tiểu Hứa thuê một căn nhà nhỏ trong núi làm quán cà phê. Với khẩu hiệu “Trốn khỏi thành phố” quán đã chào đón nhiều người bạn mới lên núi trải nghiệm “làm sếp một ngày”. Đúng lúc Tiểu Hứa đang nghĩ cách nâng cấp thì sự xuất hiện trào lưu “viện dưỡng lão” thanh niên đã gợi ý một phương hướng thử nghiệm nên anh ta đã kêu gọi các bạn trẻ vào núi “dưỡng lão”.
Tiểu Hứa cho biết, đây là nơi họ có thể thư giãn về thể chất và tinh thần, thoát khỏi cuộc sống trong thời gian ngắn hoặc giải tỏa căng thẳng trong công việc, rất phù hợp với nhu cầu của giới trẻ hiện nay. Tiểu Hứa không đồng ý với quan điểm nói rằng những người trẻ tuổi đến đây “dưỡng lão” có nghĩa là từ bỏ việc phấn đấu. Anh ta cho rằng áp lực cuộc sống của giới trẻ hiện nay rất lớn, mua nhà phải cần nhiều tiền, công việc hiện tại quá bận rộn, thời gian làm việc kéo dài nên cần tạo cho họ nơi chốn nghỉ ngơi.
Theo báo chí, các viện dưỡng lão thanh niên gần đây đã xuất hiện ở các vùng ngoại ô và nông thôn của Trịnh Châu (Hà Nam), Đại Lý, Tây Song Bản Nạp (Vân Nam), Trùng Khánh, Hợp Phì (An Huy) và Ninh Ba (Chiết Giang)... Thực ra, các “Viện dưỡng lão thanh niên” này không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống mà là nơi để những người trẻ chạy trốn công việc, thư giãn, nạp lại năng lượng và chữa lành thể chất, tinh thần trong một khoảng thời gian ngắn.
Thường là một nhóm bạn trẻ lập ra “Viện dưỡng lão”, thu hút những tốp người cùng lứa đến để trải nghiệm cuộc sống “dưỡng lão”, cung cấp nơi chốn thư giãn, xả xì-tret cho những người luôn phải chịu áp lực cao cả về công việc lẫn cuộc sống, hưởng thụ không khí tự do tự tại… ở chốn cách xa đô thị ồn ào và căng thẳng. Dần dà, các quán cà phê, nhà cho thuê, trang trại, quán bar khắp nơi cũng bắt chước, cải tạo, biến thành “viện dưỡng lão” thanh niên, thu hút giới trẻ đến trải nghiệm cuộc sống “nghỉ hưu”. Mọi người có thể tụ tập uống trà, trò chuyện, làm vườn, tắm nắng, nuôi gia súc, xem phim,… để thư giãn về thể chất và tinh thần.
“Viện dưỡng lão” được giới trẻ ưa chuộng vì giá rẻ, gần gũi với thiên nhiên và mang đậm nét văn hóa. Theo phân tích, sự gia tăng của các viện dưỡng lão phản ánh tình trạng tiêu cực về việc làm của thanh niên; kinh tế suy thoái khiến họ không còn hy vọng thăng tiến và tăng lương trong thời gian ngắn nên họ đã chọn cách chạy trốn.
Lubbock, người đã phục vụ 10 năm trong các tổ chức phúc lợi công cộng, hiểu rất rõ nhu cầu thể chất và tinh thần của giới trẻ. Vì vậy, ông đã xây dựng “viện dưỡng lão” thanh niên đầu tiên của Trung Quốc tại Vân Nam vào tháng 10/2022, tiếp nhận những người trong độ tuổi 18-45 đã có kinh nghiệm làm việc vào sống. Hầu hết các khách trú hiện tại là những người làm nghề tự do và những người trẻ gặp phải những trở ngại trong công việc và cuộc sống. Họ quyết định vào đây nghỉ ngơi trước khi bắt đầu trở lại. Đa số rời viện với sự thay đổi về tâm lý, khả năng xã giao, thái độ học tập hoặc làm việc tốt hơn.
Lubbock lạc quan trước những nghi ngờ của thế giới bên ngoài về viện dưỡng lão cho thanh thiếu niên. Ông nhấn mạnh rằng mọi người cần nằm xuống và nghỉ ngơi, nhưng ông cũng bày tỏ lo ngại về sự phát triển quá mức và nhanh chóng của ngành công nghiệp mới nổi này. Lubbock cho biết: “Hiện nay, nhiều người cho rằng có thể biến một ngôi nhà thành “viện dưỡng lão” thanh niên nên trong thời gian tới nếu không có quy chuẩn và tự giác thì “viện dưỡng lão” thanh niên sẽ bị biến dạng xấu đi”. Lubbock nói, viện của ông kiên quyết không nhận những người trên 45 tuổi hay những người chưa từng đi làm vào sống. “Ở đây, không ai yêu cầu bạn nghỉ ngơi, không lo lắng về công việc, không có mâu thuẫn gia đình, bạn có thể làm gì tùy ý”.
David Xu, người sáng lập công ty săn đầu người IMC Talent ở Hồng Kông, phân tích rằng, nền tảng chính cho sự phát triển của viện dưỡng lão thanh niên là môi trường làm việc của Trung Quốc ngày càng trở nên khắc nghiệt và không thân thiện với giới trẻ. Biểu hiện cụ thể là họ thường xuyên phải làm thêm giờ, quan hệ nhân sự phức tạp, các công việc không ý nghĩa ngày càng gia tăng, thủ tục hành chính kéo dài khiến giới trẻ thất vọng về nơi làm việc và chọn cách chạy trốn.
Ông Vương Quốc Thần ở Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc nói rằng, sự phát triển của các viện dưỡng lão thanh niên phản ánh tỉ lệ thất nghiệp cao, áp lực công việc lớn, lớp trẻ sau khi phải chống chọi với lương thấp, vô vọng mua nhà, khó kết hôn…tìm cách “nằm im”. Nhưng viện dưỡng lão không thể phát triển mãi, giới trẻ không thể “gặm nhấm tuổi già” chỉ tiêu tiền mà không làm việc, không có cơ sở kinh tế, không phù hợp logic kinh tế, nếu phát triển sẽ tác động tiêu cực, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Điều đáng ngạc nhiên là có nơi chính quyền dường như vui mừng về sự xuất hiện của các “viện dưỡng lão” thanh niên. Hãng tin China News Service ngày 2/7 đưa tin khi các phóng viên đến thăm “viện dưỡng lão” thanh niên ở huyện Cảnh Kinh, tỉnh Hà Bắc, chính quyền địa phương đã bất ngờ tiết lộ một thông điệp tích cực. Ông Cục trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị - Nông thôn huyện cho biết, động thái này đã giúp thúc đẩy quá trình hồi sinh tổng thể các khu vực thành thị và nông thôn của huyện.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vien-duong-lao-thanh-nien-o-trung-quoc-post1654681.tpo