Viện Kiểm sát đề nghị mức án chung thân với 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành

Bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo này.

Sáng 16/3, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Nguyễn Thị Hà Thành, 17 cán bộ của 3 ngân hàng và một số cá nhân liên quan.

Sau khi công bố bản luận tội, xác định hành vi của Nguyễn Thị Hà Thành đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội nên đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo này về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Bên cạnh đó, các bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng Phòng giao dịch Đông Đô, Ngân hàng Việt Á) 15-17 năm tù;

Nguyễn Thị Thu Hương (Chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng Khách hàng doanh nghiệp - Phòng giao dịch Đông Đô) 16-18 năm tù;

Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân, phòng giao dịch Đông Đô) tổng cộng là 16-18 năm tù về 2 tội danh;

Nguyễn Mai Phương (Kiểm soát viên Phòng giao dịch Đông Đô) 13-15 năm tù;

Trần Thị Hoa (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội, Ngân hàng NCB) bị đề nghị mức án 7-8 năm tù;

Nguyễn Hồng Trung (Chuyên viên quan hệ khách hàng, Ngân hàng NCB) 9-10 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay, 9-12 tháng về cho vay lãi nặng;

Bùi Văn Tuấn (Chuyên viên phát triển khách hàng, Ngân hàng PVcomBank) 9-10 năm tù;

Đỗ Minh Đức, Giám đốc phát triển khách hàng - Trung tâm phát triển khách hàng Doanh nghiệp Miền Bắc, Ngân hàng PVcomBank) 9-10 năm tù.

Ngoài ra, các bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 10 đến 36 tháng tù giam hoặc cho hưởng án treo.

Trước đó, Nguyễn Thị Hà Thành cùng 17 cán bộ của các Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và một số đồng phạm đã bị Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử về các tội danh gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Nguyễn Thị Hà Thành cùng nhóm đồng phạm được xác định đã thực hiện tổng cộng 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới các hoạt động vay, đảo nợ tại Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng NCB và Ngân hàng PVcomBank, chiếm đoạt tổng số tiền lên tới hơn 433 tỷ đồng.

Trong số đó, của Ngân hàng NCB là 47,5 tỷ đồng trong 4 lần giải ngân; của PVcomBank là 49,4 tỷ đồng và tiệt hại nặng nề nhất là Ngân hàng Việt Á, với tổng số tiền lên tới 273,8 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do, bị thua lỗ, nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội, với hình thức vay của người sau trả cho người trước.

Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn; thêm vào đó, qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để Thành làm thủ tục gửi đồng sở hữu. Sau đó, lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng với số tiền lớn, nên các Ngân hàng NCB, Ngân hàng Việt Á đều coi Thành là “khách VIP”.

Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước, nên trong khoảng thời gian từ ngày 05/6/2018 đến ngày 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Do đó, Thành đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, Việt Á và một số cá nhân khác.

Ngoài việc lập các hợp đồng, hồ sơ khống, Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm còn nhận được sự giúp sức, thông đồng của 17 cán bộ tại 3 ngân hàng trên. Theo đó, bị cáo này dùng hình thức rủ khách hàng có nhiều tiền gửi tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó giả chữ ký, làm các thủ tục vay tiền ra sau đó chiếm đoạt.

Khai nhận tại Tòa, Nguyễn Thị Hà Thành cũng thừa nhận sau mỗi lần được giải ngân, đã chi 1-2% giá trị khoản giải ngân cho cán bộ ngân hàng.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vien-kiem-sat-de-nghi-muc-an-chung-than-voi-sieu-lua-nguyen-thi-ha-thanh-d185593.html