Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận từ 6-7 năm tù

Sáng 18/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Sáng 18/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Hội đồng xét xử do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Hội đồng xét xử do Thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 đồng phạm bị truy tố, đưa ra xét xử cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong bản luận tội các bị cáo, Viện kiểm sát đã khẳng định Cáo trạng của VKSND tối cao truy tố bị cáo Lê Tiến Phương và 16 bị cáo trong vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến công tác quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước được pháp luật bảo vệ.

Viện kiểm sát căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng bị cáo để đánh giá vai trò trong vụ án. Từ đó xác đinh, bị cáo Lê Tiến Phương là người giữ vai trò chính trong vụ án.

 Các Kiểm sát viên, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Các Kiểm sát viên, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.

Cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị cáo Lê Tiến Phương là nhóm các bị cáo thuộc Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, gồm: Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính, Thường trực Hội đồng; Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Xà Dương Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Xuân Phong - Phó Cục trưởng Cục thuế; Đỗ Ngọc Điệp - Chủ tịch UBND TP Phan Thiết,…

Tuy nhiên, để quyết định một hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo, Viện kiểm sát đã đánh giá một cách toàn diện về bối cảnh, phạm tội, nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh, vai trò của từng bị cáo cũng như sự hợp tác của các bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại phiên. Đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của Tập đoàn Rạng Đông, cá nhân ông Nguyễn Văn Đông Chủ tịch HĐQT trong việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị các cáo: Lê Tiến Phương (SN 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, từ năm 2010 - 2015, nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận) từ 6-7 năm tù;

Bị cáo Hồ Lâm (SN 1960, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận) từ 5-6 năm tù, tổng hợp với hình phạt 5 năm tù tại Bản án số 199/2023/HSST của TAND TP Hà Nội, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án;

 Bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị Viện kiểm sát đề nghị xử phạt từ 6-7 năm tù. Ảnh: Hồng Nguyên.

Bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị Viện kiểm sát đề nghị xử phạt từ 6-7 năm tù. Ảnh: Hồng Nguyên.

2 bị cáo: Nguyễn Văn Phong (SN 1967, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Xà Dương Thắng (SN 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cùng bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 4-5 năm tù.

Các bị cáo: Nguyễn Xuân Phong (SN 1957, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Ngọc (SN 1958, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) từ 36-42 tháng tù; Đỗ Ngọc Điệp (SN 1962, cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) từ 30-36 tháng tù;

5 bị cáo: Lê Nguyễn Thanh Danh (SN 1980, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Thanh Cho (SN 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận), Lê Nam Hưng (SN 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận), Phạm Duy Cường (SN 1974, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận), Nguyễn Văn Thọ (SN 1961, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) cùng bị đề nghị mức từ 24-30 tháng tù. Riêng Lê Nguyễn Thanh Danh bị đề nghị tổng hợp hình phạt 42 tháng tù tại Bản án số 199/2023/HSST của TAND TP Hà Nội, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án;

 Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.

Lê Quang Vinh (SN 1973, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

4 bị cáo còn lại, gồm: Lê Anh Huy (SN 1977, cựu Chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, nguyên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận), Huỳnh Lương Thiện (SN 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn Phòng UBND tỉnh Bình Thuận), Trương Văn Ri (SN 1959, cựu Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty SIVC tại Bình Thuận), Hồ Như Hải (SN 1973, cựu Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá) cùng bị đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đề nghị tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền hơn 308,9 tỉ đồng do Công ty Rạng Đông, Công ty Thẩm định giá Miền Nam và gia đình các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả.

Hồng Nguyên - Vũ Phương

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/vien-kiem-sat-de-nghi-tuyen-phat-cuu-chu-tich-tinh-binh-thuan-tu-6-7-nam-tu-171718.html