Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý án trật tự xã hội
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội năm 2024.
Giai đoạn điều tra vụ án
Theo Hướng dẫn, trong giai đoạn điều tra vụ án: Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát, Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch, nhật ký kiểm sát điều tra; kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra vụ án; nắm chắc tiến độ điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra; đảm bảo mọi hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ phải đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Yêu cầu CQĐT thực hiện nghiêm túc việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BQP và chuyển giao tài liệu điều tra, xác minh theo quy định tại khoản 5 Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.
Phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên chủ động, tích cực thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, như: Lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn các lệnh, quyết định, trước khi truy tố, đặc biệt đối với những trường hợp bị can không nhận tội, kêu oan, tố cáo Điều tra viên bức cung, nhục hình, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra để đảm bảo việc phê chuẩn các quyết định tố tụng, đặc biệt là phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và các biện pháp ngăn chặn của CQĐT có căn cứ, đúng pháp luật, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, phân công Kiểm sát viên có tinh thần, trách nhiệm cao, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án.
Trước khi kết thúc điều tra vụ án, phối hợp với CQĐT đánh giá toàn bộ hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội, thống nhất đường lối xử lý vụ án bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Đối với các vụ án đề nghị gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn tạm giam lần thứ 3, VKS địa phương phải phối hợp chặt chẽ với CQĐT thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 172 và Khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự (chậm nhất trước khi hết thời hạn điều tra hoặc hết thời hạn tạm giam 10 ngày, VKS địa phương phải có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ cho VKSND tối cao xem xét gia hạn).
Kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra để yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm, đồng thời thông qua hoạt động kiểm sát phát hiện những sơ hở thiếu sót trong quản lý nhà nước là nguyên nhân phát sinh tội phạm để kiến nghị phòng ngừa tội phạm; đảm bảo các kiến nghị được chấp nhận, khắc phục sửa chữa.
Giai đoạn truy tố
Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, những vấn đề liên quan đến vụ án, đồng thời kiểm tra, rà soát kỹ các văn bản, quyết định tố tụng có trong hồ sơ trước khi quyết định truy tố. Trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại; trực tiếp xem xét các dấu vết vật chứng. Nâng cao chất lượng xây dựng bản Cáo trạng, đảm bảo đúng mẫu quy định, đảm bảo việc truy tố phải đúng người, đúng tội danh, đúng thời hạn luật định.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm
Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm,trước khi tham dự phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung và các tình tiết trong vụ án; tổng hợp, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; chuẩn bị kỹ bản luận tội, kế hoạch, đề cương xét hỏi, đề cương, phương án tranh tụng; dự kiến các tình huống có thể diễn ra để chuẩn bị các biện pháp giải quyết kịp thời; chuẩn bị tâm lý vững vàng, chứng cứ buộc tội vững chắc, để đảm bảo hoạt động tranh tụng có chất lượng và thuyết phục, nhất là đối với những vụ án bị cáo kêu oan, vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội, có nhiều người bào chữa. Kiểm sát viên phải tích cực, chủ động tham gia tranh luận, đối đáp đến cùng từng ý kiến của người tham gia tranh tụng.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi, tranh luận để làm sáng tỏ các tình tiết, vấn đề liên quan đến vụ án, bảo vệ quan điểm truy tố của VKS.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc “Số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để phục vụ tích cực, hiệu quả cho việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng; kiểm sát biên bản phiên tòa và Bản án của Tòa án; tăng cường chất lượng kháng nghị của VKS các cấp.
Chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới (ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 5/7/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao) đối với các vụ án do VKSND tối cao ban hành Cáo trạng phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm.
Bên cạnh đó, Hướng dẫn yêu cầu VKS các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung đó là: Tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền bào chữa; tôn trọng, xem xét ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án.
Kiểm sát chặt chẽ các trường hợp tạm đình chỉ: Phối hợp chặt chẽ với CQĐT, Tòa án cùng cấp thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; rà soát và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án tạm đình chỉ, không để xảy ra tình trạng vụ án hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chưa được đình chỉ hoặc có căn cứ phục hồi mà không kịp thời phục hồi điều tra theo pháp luật.
Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC về công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá, báo cáo án đình chỉ do không phạm tội và đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật hình sự.
Nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, không để tồn đọng kéo dài, quá thời hạn, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo do các cơ quan trung ương, Đại biểu Quốc hội chuyển đến, các vụ việc đài, báo chí nêu, các vụ việc có dấu hiệu oan, sai.
Kịp thời phát hiện vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; kiên quyết ban hành thông báo rút kinh nghiệm, kiến nghị vi phạm để chấn chỉnh và sửa chữa khắc phục; thông báo hoặc chuyển nguồn tin đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo quy định pháp luật.