Viện Nghiên cứu Cơ khí khẳng định năng lực trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng

Bộ Công Thương ghi nhận Viện Nghiên cứu Cơ khí đã làm chủ được công tác thiết kế, chế tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, then chốt.

Nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích nổi bật

Bộ Công Thương vừa có thông báo số 167/TB-BCT về kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Cấn Dũng

Tại thông báo nêu rõ, sau khi nghe báo cáo của Viện Nghiên cứu Cơ khí về kết quả hoạt động của Viện trong 5 năm qua, phương hướng phát triển trong thời gian tới và kiến nghị, đề xuất, ý kiến phát biểu của các đơn vị chức năng và các Viện nghiên cứu thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận: Những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đoàn kết, năng động, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tích kết quả nổi bật; từng bước khẳng định vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành, đặt nền móng và tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành cơ khí - tự động hóa của đất nước.

Đồng thời, Viện đã làm khá tốt vai trò tư vấn chính sách, tích cực tham mưu xây dựng các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành cơ khí, chế tạo máy; thực hiện tốt công tác nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ nền.

Bên cạnh đó, chủ động, tích cực ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào thực tiễn đời sống, làm chủ được công tác thiết kế, chế tạo trong một số lĩnh vực công nghiệp nền tảng, then chốt; công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh chuyên ngành cơ khí - tự động hóa tại Viện được triển khai thực hiện khá tốt, góp phần tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ngành và đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Viện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần chú trọng khắc phục, nhất là tính chủ động và chất lượng tham mưu cơ chế, chính sách phục vụ phát triển ngành còn hạn chế. Viện cần tích cực, chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trình độ cán bộ khoa học và công nghệ của Viện chưa thật đồng đều; kinh nghiệm và năng lực giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phát sinh trong thực tế còn hạn chế nên hiệu quả ứng dụng một số đề tài nghiên cứu vào thực tiễn còn thấp, chưa được như kỳ vọng.

Việc phối hợp trong công tác giữa các đơn vị trong Viện với nhau và với các đơn vị thuộc Bộ với Viện hay các lĩnh vực có cùng chức năng chưa thật tốt, hiệu quả chưa cao, nhất là trong công tác tham mưu hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển ngành.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng đầy dãy khó khăn, thách thức.

Ngành cơ khí, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp chính, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện nghiên cứu Cơ khí cũng như các viện nghiên cứu thuộc Bộ phải gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt và công nghiệp mới nổi, công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0; nhất là trong bối cảnh thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành cơ khí, chế tạo nói riêng, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Chú trọng thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm

Với yêu cầu đó, để Viện Nghiên cứu Cơ khí tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của Ngành, của đất nước, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu Cơ khí chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí. Ảnh: Cấn Dũng

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định, chính sách của Nhà nước có liên quan đến ngành Công Thương nói chung và lĩnh vực cơ khí - tự động hóa nói riêng.

Đặc biệt là: Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết số 57, 59, 66, 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế (như Đảng ủy, Ban lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể); đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu; giữ gìn đoàn kết, thống nhất và phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Hai là, tập trung thực hiện tái cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hệ thống quản trị hiện đại để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện; trong đó, cần tập trung vào những giá trị cốt lõi, phát huy thế mạnh đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Viện trở thành Trung tâm nghiên cứu, triển khai hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có uy tín trên thị trường khu vực và quốc tế.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn giúp xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chiến lược phát triển Ngành và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cần tiên phong trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đối với các công nghệ nguồn trong các lĩnh vực mà Viện có thế mạnh; chủ động, mạnh dạn tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng cao và có thể thay đổi cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp khác (như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, ô tô tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghiệp đường sắt, sản xuất vật liệu mới, công nghệ sinh học...), góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, thúc đẩy ngành cơ khí - tự động hóa Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.

Bốn là, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng đẩy mạnh gắn kết với các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; mọi hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ phải gắn với sản xuất, bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn để có những sản phẩm khoa học và công nghệ thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh trong ngành và cả nước được ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả vào thực tiễn, giúp các doanh nghiệp trong ngành từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ, năng lực chuyên môn cao và tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tiến tới làm chủ các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0.

Từng bước hình thành các tài sản trí tuệ (gồm các sáng chế, giải pháp hữu ích) để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm thông qua việc liên doanh, góp vốn, mở rộng sản xuất bằng các tài sản trí tuệ của Viện.

Năm là, tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức đào tạo uy tín trong và ngoài nước, trong và ngoài Ngành nhằm trao đổi, chia sẻ, hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý tiên tiến của khu vực và quốc tế, phù hợp xu thế hội nhập và sự phát triển nền công nghiệp 4.0,

Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền chỉ đạo, điều phối, thúc đẩy các hoạt động liên kết ba nhà trong ngành (gồm Nhà nước (Bộ Công Thương đại diện) - nhà khoa học (các viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp) để đẩy mạnh sự hợp tác thực chất, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vào sản xuất giữa các tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp theo cơ chế đặt hàng, giao trực tiếp.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo sau đại học, nghiên cứu sinh về chuyên ngành cơ khí - tự động hóa và các chuyên ngành công nghiệp nền tảng, chủ chốt khác, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Viện, của ngành và của đất nước.

Ngày 4/7/2025, tại trụ sở Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vien-nghien-cuu-co-khi-khang-dinh-nang-luc-trong-linh-vuc-cong-nghiep-nen-tang-411024.html