Viện Nghiên cứu lập pháp hội đàm Viện Nghiên cứu pháp luật Quốc hội lào
Sáng ngày 04/7, tại Nhà Quốc hội, TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trì buổi hội đàm với Đoàn công tác Viện Nghiên cứu pháp luật của Quốc hội Lào.
Tại buổi hội đàm, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết, trong hoạt động khoa học phục vụ Quốc hội của hai nước không có sự khác biệt bởi giữa hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về quan điểm, tư tưởng, thể chế chính trị và mô hình tổ chức hoạt động, hệ thống pháp luật,…Đây chính là nền tảng vững chắc để Viện Nghiên cứu hai nước cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mỗi đất nước.
Theo Phó Viện trưởng Lê Hải Đường, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu lập pháp với vị trí là cơ quan nghiên cứu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác như: tổ chức nghiên cứu khoa học, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin khoa học và xuất bản ấn phẩm nghiên cứu khoa học… Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay các sản phẩm nghiên cứu của Viện đã được các đại biểu Quốc hội, các cơ quan trong và ngoài Quốc hội đánh giá cao. Từ thực tiễn hoạt động đó, Phó Viện trưởng khẳng định, Viện Nghiên cứu lập pháp luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với Viện Nghiên cứu pháp luật của Quốc hội Lào.
Chia sẻ về hoạt động của Viện Nghiên cứu pháp luật của Quốc hội Lào, Viện trưởng Khăm –phởi Pan –ma-lay-thoong cho biết, do mới thành lập nên Viện nghiên cứu pháp luật còn gặp nhiều khó khăn về nhân sự, cơ cấu tổ chức cũng như một số vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn. Nhân dịp này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật của Quốc hội Lào mong muốn Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung như: việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu hàng năm; thu hút đội ngũ chuyên gia nghiên cứu; cách thức thu hút nguồn tài trợ cho Viện cũng như vấn đề xây dựng cơ chế phối hợp giữa Viện nghiên cứu với các cơ quan của Quốc hội;…
Trả lời các vấn đề do Đoàn đưa ra, đại diện các bộ phận chuyên môn của Viện nghiên cứu lập pháp đã cung cấp thông tin làm rõ từng nội dung cụ thể. Về kinh nghiệm xây dựng kế hoạch nghiên cứu hàng năm, Trưởng ban Quản lý khoa học TS. Trần Văn Thuân nhấn mạnh, để đảm bảo việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu hàng năm sát với nhu cầu thực tiễn cần căn cứ vào chương trình hoạt động của Quốc hội. Cụ thể: bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội,… TS. Trần Văn Thuân cũng cho biết, Viện nghiên cứu lập pháp còn có nhiệm vụ quản lý khoa học đối với các cơ quan, đơn vị khác trong Quốc hội. Dựa trên cơ sở đề xuất nghiên cứu khoa học cần thực hiện của các cơ quan, đơn vị, Viện Nghiên cứu sẽ tập hợp và xây dựng danh mục nghiên cứu hàng năm.
Đối với vấn đề xây dựng đội ngũ chuyên gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Ts. Danh Tú cho biết đội ngũ chuyên gia có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các báo cáo nghiên cứu. Vì vậy, muốn thu hút được đội ngũ chuyên gia có chất lượng tham gia vào hoạt động nghiên cứu cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia và cập nhật thường xuyên danh sách này hàng năm. Ngoài ra, cũng cần tổ chức hội nghị chuyên gia, cộng tác viên nhằm tăng cường sự trao đổi, gắn kết giữa các chuyên gia trong quá triển khai các báo cáo nghiên cứu.
Về sự cần thiết của thông tin đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học TS. Đặng Minh Đạo, cho biết, vai trò của thông tin đói với hoạt động của đại biểu Quốc hội là rất cần thiết. Thông tin là công cụ để các vị đại biểu Quốc hội có thể thực hiện nhiệm vụ, vai trò đại biểu của mình khi tham gia góp ý xây dựng văn dựng văn bản luật và giám sát việc thực hiện pháp luật, tiếp xúc cử tri, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước,… Vì vậy, các thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội càng bám sát diễn biến của đời sống kinh tế - xã hội thì chất lượng hoạt động của đại biểu càng tăng, khi các quyết định bám sát thực tế đời sống thì quy phạm pháp luật sẽ đi vào cuộc sống nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu lập pháp còn chia sẻ nhiều thông tin hữu ích cho Đoàn công tác về việc nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội; các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, ngân sách;hợp tác quốc tế;...
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội Lào sẽ có buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chào xã giao Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=41006