'Viên ngọc quý' Động Châu - khe Nước Trong
Theo đánh giá của các nhà khoa học, mức độ đa dạng sinh học mà Khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu - khe Nước Trong sở hữu hiện nay thuộc hàng phong phú, nổi trội so với các khu rừng khác ở Việt Nam
Đến khu rừng Động Châu - khe Nước Trong, không ít nhà khoa học trong và ngoài nước phải trầm trồ và thán phục trước giá trị đa dạng sinh học của nó; với những loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm chỉ xếp sau Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Vô giá tài nguyên rừng
Khu Dự trữ thiên nhiên (DTTN) Động Châu - khe Nước Trong nằm ở phía Tây Nam của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ở độ cao gần 700 m so mực nước biển, với diện tích hơn 22.132 ha. Đây là khu rừng nhiệt đới thường xanh, có nhiều hệ động - thực vật rất phong phú; trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới - đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam - Lào và được xem là một trong những "viên ngọc" vô giá về tài nguyên rừng. Nơi đây có các phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích hơn 13.000 ha); phân khu phục hồi sinh thái (gần 8.500 ha) và phân khu hành chính - dịch vụ (hơn 20 ha).
Khảo sát sơ bộ của các nhà khoa học cho thấy ở khu rừng Động Châu - khe Nước Trong hiện có khoảng 357 loài động vật có xương sống trên cạn. Trong đó, có 76 loài thú; 214 loài chim và 67 loài bò sát, ếch nhái... Trong số 76 loài thú đã ghi nhận, rừng này đã tụ hội tất cả loài thú quý hiếm đặc trưng cho vùng Bắc Trường Sơn được thông qua khảo sát trực tiếp hoặc kết quả bẫy ảnh, gồm: sao la, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn siki, culi nhỏ...
Theo đánh giá của các nhà khoa học, mức độ đa dạng sinh học mà Khu DTTN Động Châu - khe Nước Trong sở hữu hiện nay thuộc hàng phong phú, nổi trội so với các khu rừng khác ở Việt Nam; nơi đây là sinh cảnh của nhiều loài động - thực vật nguy cấp, quý hiếm đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng nhưng vẫn tồn tại và số lượng phát triển dần theo thời gian, được chứng minh qua "bẫy ảnh" là điều hiếm thấy.
Ngoài ra, đây còn là nơi hiếm hoi trong toàn quốc bảo tồn được thảm thực vật trên 50% (diện tích 14.574 ha); diện tích rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới, vùng núi đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới, loại rừng giàu, tài nguyên còn rất phong phú; kiểu rừng này không còn tồn tại ở địa phương khác. Nơi đây, các loài cây gỗ quý hiếm như gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, re hương, dạ hương... đua nhau phát triển. Đây còn là môi trường sống của nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu như: trĩ sao, khướu mỏ dài, chích chạch má xám và khướu má xám; các loài gà lôi... Động Châu - khe Nước Trong được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và vùng chim đặc hữu đất thấp của Việt Nam (BirdLife International 2002).
Ông Hoàng Minh Hà, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Động Châu, đánh giá Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong được ví như "hòn ngọc" giữa dãy Trường Sơn vì đây là nơi quy tụ các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học chỉ xếp sau Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Nỗ lực bảo tồn
Tháng 6-2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định thành lập Khu DTTN Động Châu - khe Nước Trong để khẳng định tầm quan trọng của việc cần bảo vệ, bảo tồn sự đa dạng sinh học nơi này.
Khu DTTN thành lập nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị tự nhiên, duy trì tính ổn định của diện tích rừng kín thường xanh trên đất thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới còn tương đối nguyên vẹn; bảo tồn và phát triển các loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa; tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn và góp phần hạn chế hạn hán, lũ lụt, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hàng ngàn người dân ở các huyện phía Nam tỉnh Quảng Bình.
Theo ông Hà, Khu DTTN Động Châu - Khe Nước Trong có rừng tự nhiên bao phủ gần như toàn bộ diện tích nên còn có giá trị về cung ứng dịch vụ môi trường về tín chỉ carbon rừng trong tương lai.
"Việc thành lập khu DTTN cũng nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong vùng về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái; thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm nhằm phát triển du lịch sinh thái khu vực phía Tây Nam tỉnh nhà. Kết nối thành một chuỗi các điểm đến trong vùng để có sản phẩm du lịch đa dạng, thu hút du khách trong và ngoài nước nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người dân trong khu vực" - ông Hà cho hay.
Theo Ban Quản lý rừng Động Châu - khe Nước Trong, sau khi được nâng cấp lên khu DTTN, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ rừng của đơn vị lại nặng nề hơn. Điều khiến những người làm quản lý, bảo vệ ở đây trăn trở không ít là tình trạng những kẻ đi săn đang xâm nhập để bẫy, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm ngày một tăng cao. Dù cán bộ, nhân viên ở đây luân phiên ngày đêm giữ rừng, bảo vệ nghiêm ngặt, bài bản nhằm ngăn chặn việc "lâm tặc, thú tặc" vào phá rừng, bẫy bắt động vật hoang dã... nhưng việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn vì phải quản lý diện tích rộng lớn hàng chục ngàn hecta, trong khi lực lượng mỏng, hiện đơn vị này có 41 biên chế và nhân viên bảo vệ rừng.
Đa dạng sinh học cao toàn cầu
Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đánh giá đây là một trong 200 trung tâm có đa dạng sinh học cao toàn cầu. Trong đó có 15 loài bò sát và ếch nhái đặc hữu của Việt Nam; 12 loài đặc hữu của Đông Dương và 17 loài bị đe dọa gồm 9 loài có trong Sách đỏ Việt Nam, 10 loài ghi trong Danh mục đỏ, 6 loài ghi trong Nghị định 06 của Chính phủ về "quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp" và 7 loài ghi trong các phụ lục CITES, với khá lớn sinh cảnh vùng đất thấp đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm, nối giữa Việt Nam và Lào.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/moi-truong/vien-ngoc-quy-dong-chau-khe-nuoc-trong-20220104211951494.htm