Sau khi nổ ra hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp rất nhiều thiết bị quân sự cho Ukraine (Ảnh: Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo xe kéo M777 155 mm do Mỹ viện trợ).
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cung cấp cho chính quyền Kiev sự hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo với số tiền khoảng 40 tỷ USD. Vũ khí, trang bị phương Tây dồn dập đổ vào Ukraine để giúp nước này đối phó với cuộc tấn công của Nga.
Tuy nhiên, các nước phương Tây đang ngày càng nghi ngờ khả năng các vũ khí của họ được sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đang điều tra về những cáo buộc các quan chức chính phủ và sĩ quan các cấp Ukraine đã buôn lậu các vũ khí phương Tây cung cấp.
Trong bối cảnh đó, vào hôm 26/7, Trung tá Quân đội Mỹ Daniel Davis viết trong bài báo trên trang web 19Fortyfive rằng, các nước phương Tây có thể ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine do người dân các nước này ngày càng bất bình, phải gánh chịu hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga, khủng hoảng khí đốt và kéo dài xung đột.
Chuyên gia Davis nhận xét, có khả năng vào mùa thu hoặc mùa đông, dòng tiền và vũ khí từ châu Âu và Mỹ đến Kiev sẽ chậm lại, trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đã có dấu hiệu suy thoái.
Nguyên nhân một phần là do các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga đã khiến giá xăng dầu tăng cao lịch sử, dự trữ lương thực thế giới gần như giảm xuống mức khủng hoảng.
Theo vị chuyên gia Mỹ, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài cả mùa hè và không kết thúc vào mùa đông, hậu quả đối với các quốc gia NATO sẽ rất nặng nề. Khi thời tiết lạnh bắt đầu, người dân Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ gia tăng áp lực buộc chính quyền phải ngừng tài trợ và cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong bối cảnh đó, những cảnh báo không lấy gì làm vui vẻ tiêp tục đến với Ukraine, khi tờ Financial Times (FT) của Anh dẫn lời nhà kinh tế Ukraine Maria Repko cho rằng, các nhà chức trách ở Kiev có thể sa vào tình trạng cạn tiền vào mùa thu nếu chi tiêu quân sự tiếp tục tăng.
Bài báo của FT viết rằng, chính phủ Ukraine đã giảm chi tiêu cho các dịch vụ hàng ngày để trang trải chi tiêu quân sự, nhưng trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga đang ngày càng kéo dài và đối mặt với những thất bại liên tiếp ở Donbass, Kiev có thể phải đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn.
Hôm 25/7, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky là ông Oleg Ustenko cũng thừa nhận rằng, thâm hụt ngân sách của Ukraine dự kiến sẽ đạt 50 tỷ USD vào cuối năm, tương đương với 30-35% GDP của đất nước.
Theo chuyên gia kinh tế Maria Repko, việc chi tiêu quân sự tiếp tục tăng sẽ dẫn đến thực tế là chính phủ sẽ hết tiền vào mùa thu, đúng thời điểm viện trợ quân sự của phương Tây chấm dứt hoặc bị siết chặt lại.
Do đó chính quyền Kiev có thể lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn.
Toàn Thắng