Viện trợ quân sự 1 tỷ USD cho Kyiv, Mỹ muốn Nga sa lầy tại Ukraine?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine trong ngày 16.3 nhằm giúp Kyiv tăng cường khả năng phòng thủ.
Trước đó, Washington đã công bố gói viện trợ an ninh trị giá 200 triệu USD cho Ukraine. Với việc công bố gói viện trợ trên, ông Biden sẽ nâng tổng số tiền Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine lên 1 tỉ USD trong tuần qua và lên tổng cộng 2 tỉ USD kể từ khi ông nắm quyền tổng thống.
Gói viện trợ mới này sẽ bao gồm các trang thiết bị quân sự mà Mỹ cho rằng người Ukraine đang cần nhất. "Gói hỗ trợ an ninh mới bao gồm 800 hệ thống phòng không để đảm bảo quân đội Ukraine có thể tiếp tục ngăn chặn các máy bay và trực thăng đang tấn công người dân của họ", Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo.
Ngoài 800 tên lửa phòng không vác vai Stinger, gói hỗ trợ cũng bao gồm 100 máy bay không người lái vũ trang Switchblade, 9.000 vũ khí chống tăng, 7.000 súng bộ binh, 20 triệu viên đạn các loại cùng 25.000 bộ áo chống đạn và mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên, gói viện trợ này không bao gồm việc cung cấp máy bay chiến đấu có người lái hay lập vùng cấm bay tại Ukraine, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng là cần thiết để kháng cự trước lực lượng Nga.
Động thái diễn ra sau khi ông Zelensky phát biểu trước quốc hội Mỹ, kêu gọi sự giúp đỡ hơn nữa từ Washington, nhằm gia tăng áp lực buộc Moscow phải đến bàn đàm phán.
Song, các chuyên gia quân sự không mong đợi một bước đột phá, kể cả trên chiến trường hay trên bàn đàm phán, trong thời gian tới. Thay vào đó, “Mỹ muốn Nga sa lầy tại Ukraine”, Michael O’Hanlon, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings cho biết.
“Tiếp tục giúp Ukraine chống lại người Nga và làm suy yếu nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng có thể giúp tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán hòa bình thành công”, ông nói.
Trong khi đó, Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược về Chương trình An ninh Quốc tế cho biết, khi vũ khí và các nguồn cung cấp khác tiếp tục đổ vào Ukraine, Nga sẽ càng ngày càng bế tắc về quân sự và gặp nhiều khó khăn hơn.
“Đó có thể là thời điểm mà Nga quyết định rằng đáng để đàm phán. Dù sao thì bây giờ họ cũng đang hướng tới điều đó”, Cancian nói.
Các quan chức Nga và Ukraine đã nói về một kế hoạch hòa bình tiềm năng. Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16.3 đã tuyên bố rằng chiến dịch của ông đang diễn ra theo đúng kế hoạch và Nga sẽ không rút lui.
Công bố thêm 800 triệu USD viện trợ quân sự vài giờ sau khi Zelensky kêu gọi sự ủng hộ từ lưỡng viện Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết mục tiêu là làm suy yếu vị thế của Putin trong khi củng cố quân sự và ngoại giao cho Ukraine.
“Sẽ còn nhiều hơn nữa”, Biden nói và ông cảnh báo rằng “đây có thể là một trận chiến lâu dài và khó khăn”.
Lauren Kahn, một chuyên gia về Đổi mới quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, đồng ý rằng “Mỹ đang ở một chặng đường dài đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine”.
“Sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian, mặc dù vẫn còn nhiều điều phải xem xét. Nga cho rằng chỉ mất 3 ngày để kiểm soát Kyiv và toàn bộ Ukraine nhưng hiện đã là tuần thứ ba và họ dường như vẫn đang bế tắc”, bà Kahn nói.
“Vấn đề là, Mỹ liệu có thể tiếp tục viện trợ cho Kyiv cho đến khi người Ukraine có đủ sức ngăn chặn hoặc tạo cơ hội khai thác thêm những sai lầm của Nga. Nhưng một lần nữa, nếu hiệu suất quân sự của Nga được cải thiện, thay vì tiếp tục kém như hiện nay, tôi hơi nghi ngờ về việc điều này sẽ giúp ích được gì nhiều”, Kahn nhận định.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ và Anh, sự phản kháng đầy kiên cường, sáng tạo của người Ukraine và màn trình diễn kém cỏi, do dự của quân đội Nga đã cản trở bước tiến của Moscow cho đến nay.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá, việc vật lộn với địa hình Ukraine đã làm chậm tiến độ tiến công của quân đội Nga. Bên cạnh đó, các máy bay chiến đấu của Nga đã không giành được quyền kiểm soát không phận Ukraine, hạn chế hơn nữa khả năng bảo vệ lực lượng mặt đất của họ.
Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Mỹ, Tổng thống Zelensky đã tiếp tục kêu gọi Washington thực thi vùng cấm bay đối với Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã loại trừ điều đó để tránh giao tranh trực tiếp với các phi công của Nga, làm leo thang cuộc chiến với quốc gia vốn đang sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết vào đầu tuần, một lý do khác là khu vực cấm bay khó có thể ngăn được các cuộc không kích của Nga vào Ukraine. Quan chức này lưu ý rằng, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ ở miền tây Ukraine vào ngày 13.3 với các máy bay ném bom từ không phận Nga.