Viện trợ từ phương Tây liệu có bù đắp được thâm hụt ngân sách lớn của Ukraine năm 2024?

Ukraine đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ kinh tế từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột với Nga, nhưng phải đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn vốn sẽ đến từ đâu vào năm 2024.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, ngày 11/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ukraine đã nhận được hơn 68,5 tỷ USD hỗ trợ ngân sách kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Ukraine.

Kiev chi toàn bộ doanh thu cho lĩnh vực quốc phòng và quân đội, trong khi chi phí chung của khu vực công phần lớn được chi trả bởi viện trợ từ phương Tây.

Năm tới, Chính phủ Ukraine sẽ lại cần bơm hỗ trợ tài chính để xử lý các khoản thanh toán xã hội, tiền lương cho nhân viên nhà nước và lương hưu cho hàng triệu người Ukraine.

Chính phủ Ukraine dự kiến thâm hụt ngân sách khoảng 43 tỷ USD vào năm 2024 và có kế hoạch trang trải khoản thâm hụt này bằng khoản vay trong nước và viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây.

Các quan chức của Bộ Tài chính Ukraine gần đây cho biết họ dự kiến sẽ nhận được 41 tỷ USD viện trợ quốc tế vào năm tới.

Nhưng Chính phủ Ukraine và các nhà phân tích đang lo lắng trước những dấu hiệu không chắc chắn về việc cung cấp nguồn tài chính đó. Một số nhà phân tích dự đoán viện trợ của phương Tây có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm tới.

Dưới đây là một số số liệu về các gói viện trợ kinh tế chính của phương Tây mà Ukraine hy vọng nhận được:

Quỹ châu Âu dành cho Ukraine

Mùa hè này, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói hỗ trợ nhiều năm trị giá 50 tỷ euro (54,8 tỷ USD) sẽ được chuyển giao đến năm 2027.

Các quan chức Ukraine cho biết họ hy vọng sẽ nhận được 18 tỷ euro hỗ trợ ngân sách từ gói trên vào năm 2024, nguồn tài chính này sẽ rất quan trọng để bù đắp thiếu hụt ngân sách vào năm tới.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels tuần trước, các nhà lãnh đạo EU đã không thể vượt qua sự phản đối của Thủ tướng Hungary Victor Orban để đồng ý cung cấp gói hỗ trợ cho Ukraine.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết các nhà lãnh đạo EU đã quyết định quay lại thảo luận vấn đề này vào tháng 1 năm tới.

Các nhà lãnh đạo khác đã đảm bảo với Kiev rằng họ có thể chuyển viện trợ cho Ukraine ngoài ngân sách EU nếu Budapest duy trì lệnh phong tỏa.

Hỗ trợ của Mỹ

Ukraine đang đàm phán với Chính phủ Mỹ để nhận hỗ trợ kinh tế vào năm tới. Kiev đang tìm kiếm khoản viện trợ 8,5 tỷ USD để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách, nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 10 đã đề nghị Quốc hội cấp gần 106 tỷ USD để tài trợ cho Ukraine, Israel và an ninh biên giới Mỹ, nhưng Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã từ chối gói này.

Nhiều tuần sau, gói viện trợ vẫn đang được thảo luận và việc thông qua nó vẫn chưa chắc chắn.

Chương trình của IMF

Sự hợp tác của Ukraine với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất quan trọng đối với sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của nước này. Năm nay, IMF đã phê duyệt chương trình cho vay mới kéo dài 48 tháng trị giá khoảng 15,6 tỷ USD.

IMF cũng đã phê duyệt khoản giải ngân 900 triệu USD cho Ukraine trong tuần này, nâng tổng số tiền tài trợ trong năm nay lên 4,5 tỷ USD.

Vào năm 2024, Chính phủ Ukraine hy vọng sẽ nhận được 5,4 tỷ USD nhưng mỗi đợt đều gắn với một loạt mục tiêu cải cách và chỉ số kinh tế.

Ukraine cũng mong đợi nhận được khoảng 1,5 tỷ USD từ các tổ chức tài chính quốc tế khác, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, vào năm tới.

Ngoài ra, Ukraine đã đồng ý với các gói hỗ trợ tài chính từ Anh và Nhật Bản cho năm 2024. Ukraine cũng đang đàm phán với chính phủ Canada, Na Uy, Hàn Quốc và các nước khác để đảm bảo các nguồn vốn chi tiêu.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vien-tro-tu-phuong-tay-lieu-co-bu-dap-duoc-tham-hut-ngan-sach-lon-cua-ukraine-nam-2024-20231222104320405.htm