Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 6/5/2024, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao cùng các thành viên Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 3, TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri các Quận 5, 8 và 11 trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 gồm Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí; Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Lê Thanh Phong; bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Buổi tiếp xúc diễn ra ở điểm cầu chính tại Hội trường Trung tâm Chính trị Quận 11, kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại Quận 5 và Quận 8, TP Hồ Chí Minh.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết
Trình bày tại các điểm tiếp xúc, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức cho biết, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 28/6/2024 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Kỳ họp này sẽ được tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2026; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 28/6/2024.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện các nội dung về lập pháp, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và giám sát tối cao đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
3 nghị quyết được xem xét thông qua tại kỳ họp gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đồng thời, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhiều ý kiến cử tri đánh giá cao nội dung kỳ họp, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng, xây dựng các chính sách mang tầm vĩ mô, tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển vững mạnh.
Cử tri nêu nhiều ý kiến, kiến nghị
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các Đại biểu Quốc hội đã lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề quan tâm, như: Công tác phòng chống tham nhũng; công tác quản lý sử dụng đất công, quy hoạch; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH); tình hình giá vàng, giá xăng dầu, giá điện tăng cao…
Cử tri của Quận 5 nêu vấn đề và kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản của nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; an sinh xã hội cho người dân và việc đầu tư các dự án trọng điểm trên cả nước.
Cử tri Dương Minh Chung (Quận 8) nêu: Hiện tại trên địa bàn Quận 8 nói riêng và của Thành phố nói chung có rất nhiều khu vực, nhiều tuyến hẻm bị quy hoạch làm các dự án, mở rộng hẻm làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân như: Cấp sổ, tách thửa, xây dựng, mua bán... Cử tri kiến nghị cần tổng rà soát, nếu có quy hoạch thì khi nào thực hiện, còn nếu không thì bỏ quy hoạch để không ảnh hưởng đến người dân.
Về công tác giải phóng mặt bằng, cử tri Nguyễn Văn Khoái nêu ý kiến: Hiện nay cả nước khi thực hiện các công trình đều vướng đến công tác giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ và đội vốn công trình. Kiến nghị Quốc hội có giải pháp nào để tháo gỡ về nội dung đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình đúng tiến độ. Như ở Quận 8 chuẩn bị thực hiện dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi, đề nghị Nhà nước có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án và các trường hợp bị giải tỏa toàn bộ để bố trí tái định cư.
Góp ý về công tác xây dựng pháp luật, cử tri Ngô Thị Ngọc Thu (Quận 8), kiến nghị Quốc hội xem xét, sớm sửa đổi Luật BHYT, trong đó xem xét quy định linh hoạt các mức đóng BHYT nhằm đa dạng các chế độ hưởng dịch vụ y tế theo mức đóng, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân và chi phí, chất lượng dịch vụ y tế. Đề nghị sửa đổi Luật BHXH nhằm tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia; hạn chế tình trạng rút BHXH một lần; tăng cường chế tài xử lý người sử dụng lao động chậm đóng BHXH.
Bên cạnh đó, một số cử tri cũng kiến nghị Quốc hội xem xét về công tác thu hút nhân tài, chế độ lương; khung xử lý mức phạt về nồng độ cồn; xây dựng mục tiêu quốc gia để ứng phó biến đổi khí hậu, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nội dung, thông tin các cử tri phát biểu rất xác đáng, tránh nhiệm, tâm huyết; nêu nhiều nội dung có nghiên cứu, hệ thống những vấn đề cả nước đang quan tâm. Tổ Đại biểu Quốc hội tiếp thu đầy đủ những thông tin và truyền tải đến cơ quan, các ngành, cá nhân có trách nhiệm để tiếp nhận.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, những ý kiến của cử tri thì Tổ Đại biểu Quốc hội vừa phải có trách nhiệm để xử lý theo nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, có những vấn đề qua lắng nghe ý kiến phát biểu của cử tri cũng bổ sung về nhận thức, kiến thức sâu sắc, những vấn đề lớn mà chúng ta quan tâm. Có những vấn đề cử tri nêu thì Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đang làm, có những vấn đề đã làm và có những cái mới cần tiếp tục nghiên cứu để xử lý theo phản ánh, kiến nghị của cử tri.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, đây là chủ trương, quyết sách, quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Thời gian trước đây chúng ta đã làm tốt ở Trung ương, vừa qua cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống chính trị và để công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một phong trào của xã hội, toàn dân. Viện trưởng VKSND tối cao cho biết những kết quả, diễn biến của công tác phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh đầy đủ và kịp thời.
Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, cơ quan chức năng đã và đang làm, mong cử tri tiếp tục theo dõi.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị lãnh đạo các địa phương xem xét để xử lý theo quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí một lần nữa khẳng định, Tổ Đại biểu Quốc hội tiếp thu đầy đủ những ý kiến phát biểu của cử tri và sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền và nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Đồng chí đề nghị cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới để xem những phản ánh của mình diễn tiến trong kỳ họp.