Viện trưởng VKSND tối cao trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tờ trình.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 20/5. Ảnh: Quang Vinh.
Sửa luật để bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn
Trình bày tờ trình, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Kết luận 121-KL/TW, Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, theo đó: ngành Công an không tổ chức cấp huyện, Cơ quan điều tra đã được tổ chức ở 2 cấp (Bộ, cấp tỉnh); hệ thống VKSND, TAND: kết thúc VKSND - TAND cấp cao và VKSND - TAND cấp huyện, sắp xếp, tinh gọn và tổ chức còn 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực); Chính quyền địa phương kết thúc cấp huyện, còn 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã); tổ chức và tên gọi của một số chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng có sự thay đổi so với quy định của BLTTHS hiện hành...

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến – Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tờ trình. Ảnh: Quang Vinh.
Bên cạnh đó, theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, một số vấn đề bất cập phát sinh đã được thực tiễn kiểm nghiệm và được các cơ quan có thẩm quyền kết luận, chỉ đạo, như: Việc áp dụng và thi hành án tử hình; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can bỏ trốn hoặc vắng mặt; vấn đề chữ ký điện tử và số hóa hồ sơ vụ án…
Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS là cần thiết, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, đúng tiến độ, lộ trình theo kết luận của Bộ Chính trị và yêu cầu của Quốc hội.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, mục đích, phạm vi, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.
Những nội dụng cơ bản của dự thảo Luật
Dự thảo Luật gồm 2 điều:
Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung 112/510 điều), gồm các nội dung cơ bản sau:
Sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan: Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp trở lên (của Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh) là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh phân công có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức Công an cấp huyện; Sửa đổi một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền tố tụng của hệ thống VKSND, TAND từ 4 cấp còn 3 cấp; Sửa đổi tên gọi, bộ máy của Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư khi tiến hành một số hoạt động điều tra trong BLTTHS; Sửa đổi các quy định liên quan việc không tổ chức Nhà tạm giữ, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện…;

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.
Quy định TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù, trừ một số trường hợp án nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử của VKSND, TAND cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh đối với bản án có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực; đối với thẩm quyền truy tố, xét xử của VKS, Tòa án quân sự giữ nguyên;
Bổ sung trình tự, thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt;
Sửa đổi trình tự, thủ tục thi hành án tử hình theo hướng bổ sung thời hạn xem xét quyết định ân giảm và thời hạn Tòa án quyết định hoãn thi hành án 2 năm khi có căn cứ…;
Sửa đổi thời hạn giám định cho phù hợp với Luật Giám định tư pháp và những vấn đề khác có liên quan…;
Ngoài ra, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, VKSND tối cao đang phối hợp với Bộ Công an để tiếp thu ý kiến về việc bổ sung chữ ký điện tử và số hóa hồ sơ vụ án vào dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với đề nghị của Bộ Công an liên quan đến việc dẫn độ, VKSND tối cao đã có Công văn số 2231/VKSTC-V14 ngày 16/5/2025 gửi Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, quy định về trình tự, thủ tục bắt người theo yêu cầu của nước ngoài để dẫn độ trong dự thảo Luật Dẫn độ, bảo đảm phù hợp phạm vi điều chỉnh của các luật và theo quy định pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Điều 2 về Hiệu lực thi hành: Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quang Vinh.
Bên cạnh đó, một số luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, về tố tụng tư pháp và Bộ luật Hình sự cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, do đó, đề nghị VKSND tối cao trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật, Bộ luật nêu trên nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cơ quan điều tra; các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; VKSND; TAND: Ủy ban tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật và nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng. Bên cạnh đó, đề nghị VKSND tối cao trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Cơ quan điều tra, VKSND, TAND.
Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) (khoản 4 Điều 1): Ủy ban nhận thấy, trong bối cảnh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều địa phương được sáp nhập trên cơ sở 2 hoặc 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay và ở mỗi địa phương chỉ bố trí 1 cấp Cơ quan điều tra tại Công an cấp tỉnh (thay vì 2 cấp như trước đây), thì việc dự thảo Luật đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra là rất cần thiết nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.
Về thẩm quyền xét xử của TAND khu vực (khoản 25 Điều 1): Tờ trình nêu 2 loại ý kiến liên quan đến thẩm quyền xét xử của TAND khu vực. Ủy ban cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ hai về việc giao TAND khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự.
Theo Ủy ban, quy định như loại ý kiến thứ hai: Phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cơ quan tố tụng cấp trên, nhất là dồn án lên cơ quan tố tụng cấp trung ương; Phù hợp với mô hình của TAND khu vực được cơ cấu lại trên cơ sở sáp nhập từ 2 đến 3 TAND cấp huyện hiện nay; Cơ bản bảo đảm đồng bộ với định hướng tăng thẩm quyền cho TAND khu vực trong lĩnh vực án dân sự, hành chính, được giao xét xử tất cả các vụ án này ở cấp sơ thẩm.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị cân nhắc không nên quy định dẫn chiếu trực tiếp đến “các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo”, mà cụ thể hóa theo hướng dẫn chiếu đến các vụ án có tính chất phức tạp tuy thuộc thẩm quyền của TAND khu vực nhưng cần thiết giao cho TAND cấp tỉnh xét xử.
Về thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt (khoản 20 và khoản 23 Điều 1): Ủy ban nhận thấy, thực tiễn thời gian qua xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, song do BLTTHS hiện hành mới chỉ có quy định cụ thể về xét xử vắng mặt, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục này trong giai đoạn điều tra, truy tố dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vụ án cũng như thu hồi tài sản.
Do đó, dự thảo Luật bổ sung quy định Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố/ Viện kiểm sát quyết định việc truy tố bị can trong các trường hợp quy định tại khoản 20 và khoản 23 Điều 1 là phù hợp.
Về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành (khoản 32 Điều 1): Ủy ban cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Luật, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm quy định chặt chẽ thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành; đồng thời bám sát nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự cũng đang được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (có nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...