Viết cổ tích nơi in dấu ngựa thần

Si Ma Cai - mảnh đất gắn với nhiều giai thoại thần tiên, nơi in dấu chân ngựa thần - hôm nay đã đổi thay mạnh mẽ. Với sự cần cù, ý chí quyết tâm, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã tận dụng tốt thời cơ để xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Bừng sáng nông thôn mới

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến xã nông thôn mới Mản Thẩn của huyện Si Ma Cai. Làn sương huyền ảo nhuốm màu cổ tích ôm trọn các thôn, bản người Mông, “hơi thở” ngày Tết tràn ngập khắp các nóc nhà.

Đường lên thôn Sảng Mản Thẩn ở độ cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển quanh co uốn lượn theo triền núi. Trưởng thôn Sảng Mản Thẩn là ông Giàng Seo Sáng vẫn luôn tự hào về tuyến đường “kỳ tích” của quê hương mình: “Mất hơn 1 năm, 50 hộ ở Sảng Mản Thẩn mới làm xong tuyến đường dài 5 km này”. Đó là thời gian bà con thay phiên nhau đào từng mét đường, xếp gọn từng viên đá, vác những bao xi măng nặng vượt núi bằng đôi chân trần và bàn tay chai sạn. Thành quả của những giọt mồ hôi, sự quyết tâm là một tuyến đường hiện hữu trong niềm phấn khởi của người dân vùng cao nơi đây. Từ đó, những công trình nhà văn hóa, điểm trường học cũng dần hình thành theo tinh thần ấy, giúp cuộc sống của người dân Sảng Mản Thẩn đổi thay.

Cũng như Sảng Mản Thẩn, nhiều thôn khác của xã Mản Thẩn tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực đổ bê tông các tuyến đường trục thôn, đường liên gia, ngõ xóm. Đường bê tông như những dải lụa trắng vắt trên non cao, là con đường ngắn nhất để “ý Đảng” đi tới “lòng dân”. Hơn thế, năm 2015, Mản Thẩn trở thành xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai “về đích” nông thôn mới. Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu cho biết: Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, xã không có tiêu chí nào đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn nửa tổng số hộ toàn xã nhưng chúng tôi vẫn cố gắng, đoàn kết để “về đích” sau 4 năm triển khai.

Bức tranh nông thôn mới vùng cao Si Ma Cai.

Bức tranh nông thôn mới vùng cao Si Ma Cai.

Cùng với xã Nàn Sán vừa “cán đích”, đến nay Si Ma Cai đã có 6/13 xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ đạt chỉ đứng sau huyện Bảo Thắng. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cười: Si Ma Cai đang trên đường trở thành “huyện nghèo” nông thôn mới đầu tiên của cả nước!

Khi “ý Đảng” hợp “lòng dân”

Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Lý Seo Vảng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai nói về thành tích của địa phương trong 5 năm qua với những con số ấn tượng. Đó là sản lượng lương thực cây có hạt tính đến cuối năm 2019 đạt hơn 26 nghìn tấn (mỗi năm tăng hơn 1.000 tấn), đàn gia súc có 22.300 con (tăng gần 2 lần so với năm 2015). Về trồng trọt, ban đầu chỉ có 50 ha giống mận địa phương, đến nay huyện đã có hơn 800 ha. Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, hiện đạt bình quân 27 triệu đồng/người/năm (bằng 136% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 20% thay vì 60% như đầu nhiệm kỳ...

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Si Ma Cai, điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân. Mỗi khi cấp ủy tuyên truyền, chính quyền vào cuộc là người dân đều tích cực thực hiện để mang tới những thắng lợi mới. “Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, cũng bởi vậy mà khi làm đường lên thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, ông Giàng Seo Lùng ở đầu thôn đã tự nguyện chuyển nhà tới nơi ở mới để tuyến đường bê tông thẳng hơn”, đồng chí Lý Seo Vảng nói.

Rồi câu chuyện về một số hộ ở thôn Na Pá, xã Bản Mế hiến đất ở, đất sản xuất và di chuyển nhà cửa để tạo mặt bằng xây dựng trụ sở UBND xã và trạm y tế cũng là ví dụ sinh động về “ý Đảng - lòng dân”. Bí thư Đảng ủy xã Bản Mế Trần Xuân Hiếu nhận định: Nhờ có những tấm gương như thế mà nhiều hộ sẵn sàng gác lợi ích của mình để vì cái chung, cái toàn dân. Chỉ cần Đảng có nghị quyết đúng, hợp lòng dân, vì dân thì sự đóng góp, hưởng ứng của bà con sẽ rất lớn!

Cuộc sống ở Si Ma Cai đang thay đổi từng ngày, một phần là bởi nơi đây có sự gương mẫu, tiên phong của những đảng viên, cán bộ, những người có uy tín ở cơ sở luôn tận tâm, trách nhiệm với vai trò, nhiệm vụ của mình. Điển hình như chị Tráng Thị Say ở thôn Say Sán Phìn (xã Mản Thẩn), được kết nạp Đảng năm 2015. Thời gian qua, chị đã tích cực tuyên truyền, vận động 20 chị em tham gia trồng rau trái vụ và động viên 35 hộ trồng mận Tả Van địa phương với tổng diện tích gần 20 ha. Những “hạt giống” quý như chị Tráng Thị Say vẫn phát triển từng ngày, trong 5 năm qua, huyện Si Ma Cai đã kết nạp được hơn 800 đảng viên. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện mới có 1.476 đảng viên thì đến nay đã có hơn 2.300 đảng viên.

Thay lời kết

Những đổi thay kỳ diệu ở vùng núi in dấu ngựa thần không hề là câu chuyện cổ tích với những phép màu nhiệm. Ở đó có sự vào cuộc, sự lựa chọn hướng đi đúng của các cấp ủy đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, sự đồng lòng của người dân. Dưới nắng xuân, trên khắp các thôn, bản ở Si Ma Cai, từ cửa ngõ Lử Thẩn đến thượng nguồn sông Chảy là xã Nàn Sín, nơi đâu cũng thấy khung cảnh đầm ấm, thanh bình, ngập tràn tiếng cười, niềm vui về những thành quả sau chặng đường phấn đấu.

Mùa xuân là sự khởi đầu, đối với huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai cũng là sự bắt đầu cho nhiều điều lớn lao hơn.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/viet-co-tich-noi-in-dau-ngua-than-z5n202001091225161.htm