Viết đơn xin làm tình nguyện viên ở tâm dịch Bắc Giang
Nói với Zing, Gia Long cho biết khi viết đơn xin đi chống dịch, anh không sợ nhiễm bệnh mà chỉ sợ mình không được nhận.
Ngô Gia Long (sinh năm 1989, quê Bắc Giang) là thợ ảnh tự do. Khi Bắc Giang trở thành tâm dịch, Long phải đóng cửa studio. Không muốn lãng phí thời gian, anh lên mạng tìm hiểu và đăng ký tham gia chống dịch tại địa phương.
Chia sẻ với Zing, Long cho hay ngày 17/5, sau khi gửi thông tin cá nhân lên tỉnh đoàn Bắc Giang, anh được gọi lên khai báo y tế. Do 14 ngày không tiếp xúc với những người trong danh sách cách ly, không có triệu chứng nhiễm bệnh như ho, sốt, khó thở, Long được nhận vào làm tình nguyện viên.
Theo đó, chàng trai sinh năm 1989 cùng 20 bạn tình nguyện viên được phân công hỗ trợ cho hơn 200 y bác sĩ từ ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đến Bắc Giang chống dịch.
Không sợ bị nghiễm bệnh
"Lý do mình tham gia đơn giản lắm. Mình muốn đóng góp chút sức cho cộng đồng, đất nước. Từ nhỏ, mình được cha mẹ dạy phải giúp đỡ mọi người. Nên có thông tin là mình quyết định đi luôn", Long nói.
Tại đây, mỗi sáng, anh thức dậy lúc 5h để cùng các tình nguyện viên khác dọn dẹp khu sàng lọc, khám chữa bệnh.
Sau đó, mỗi người được phân công đi các dãy nhà để phun khử khuẩn trước và sau mỗi bữa ăn. Ngoài ra, Long còn phụ trách nhận đồ hỗ trợ từ các nơi, đưa lên xe rồi vận chuyển tới các địa phương trong tỉnh còn thiếu thốn.
“Công việc của của mình không cố định, không có thời gian nghỉ ngơi cụ thể. Cứ có việc là làm, có những hôm, chúng mình làm việc đến 1-2h sáng. Ở đây, tình nguyện viên khá ít, chủ yếu là bộ đội, dân quân phường và các nhân viên y tế”.
Làm việc trong tâm dịch, tiếp xúc với hàng nghìn người mỗi ngày, Long cùng các tình nguyện viên khác phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, anh khẳng định: "Tình nguyện viên được phát đồ bảo hộ y tế, được khử khuẩn sau khi làm nhiệm vụ. Bọn mình được bác sĩ đo nhiệt độ vào mỗi tối, làm xét nghiệm Covid-19. Sau 2-3 ngày thì họp tập thể một lần.
Khi viết đơn xin làm tình nguyện viên, mình không sợ bị nhiễm bệnh mà chỉ sợ không được nhận. Mình hoàn toàn tin tưởng vào biện pháp chống dịch của nhà nước, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Được góp sức vào công cuộc chống dịch, mình thấy vinh dự".
Long cho hay dù khối lượng công việc khá lớn, mọi người luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau nên không có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do phải mặc đồ bảo hộ cả ngày cộng thêm thời tiết nắng nóng, không ít lần, Long bị mùi thuốc khử khuẩn làm cho đau đầu, chóng mặt.
Hơn nữa, chàng trai quê Bắc Giang nói rằng công việc của các y bác sĩ còn khó khăn, vất vả hơn nhiều.
"Do số lượng người nghi nhiễm rất đông, nhiều ngày liền, các y bác sĩ phải làm việc từ sáng sớm tới đêm muộn trong các khu công nghiệp. Thậm chí, những hôm thời tiết nắng nóng, họ phải lấy đá chườm lên đầu để giảm nhiệt, quần áo ướt đẫm mồ hôi", nam nhiếp ảnh gia nói.
Hơn một tuần làm tình nguyện viên trong tâm dịch, Long nói rằng anh có cơ hội nghi lại những bức ảnh ý nghĩa. Sau khi hoàn thành công việc, anh thường tranh thủ xin phép cấp trên, dành ra 30-40 phút mỗi ngày đi chụp ảnh lấy tư liệu.
Long kể trong một lần hỗ trợ các bác sĩ khám sàng lọc tại Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Bắc Giang, anh chụp được khoảnh khắc 2 bà cháu dắt tay nhau đi xét nghiệm Covid-19 lúc 1h sáng.
“Lúc đó, có hàng trăm người xếp hàng, chờ lấy mẫu xét nghiệm. Mình vô tình bắt gặp và chụp vội được khoảnh khắc một cụ bà nắm chặt tay cháu trai nhỏ đi giữa dòng người. Chứng kiến ánh mắt thất thần, lo lắng của hai bà cháu, mình đã rất xúc động".
Hiện tại, Bắc Giang vẫn trong những ngày căng thẳng chống dịch. Long cùng các tình nguyện viên vẫn hàng ngày miệt mài làm công tác hậu cần, hỗ trợ các y bác sĩ.
Khi xung phong làm tình nguyện viên, Long xác định sẽ hỗ trợ công tác chống dịch đến khi tình hình ổn định trở lại.
Điều mong muốn của chàng trai Bắc Giang lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát, người dân trở lại cuộc sống bình thường. Khi đó, anh sẽ được làm công việc thường ngày của mình.