Viết giai điệu từ trái tim người lính

Ở nơi mái nhà chung của những người nghệ sĩ khoác áo lính - Nhà Văn hóa, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP, có một người phụ nữ luôn thường trực nụ cười trên môi, nhưng ánh mắt lại ẩn chứa chiều sâu đầy nội lực và cảm xúc. Đó là Trung tá, nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc, tác giả của ca khúc 'Tự hào là người lính', vừa được trao giải B - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025 do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc cùng nhiều tác giả trong BĐBP vinh dự được giải trong lần trao thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020- 2025. Ảnh: Ngô Khiêm

Nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc cùng nhiều tác giả trong BĐBP vinh dự được giải trong lần trao thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020- 2025. Ảnh: Ngô Khiêm

Câu chuyện âm nhạc của Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc không bắt đầu từ những khuông nhạc hay tiết học nhạc lý đầu tiên, mà từ sâu thẳm trong tâm hồn, từ tình yêu mãnh liệt dành cho màu xanh áo lính. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống quân ngũ, chị thấu hiểu từ sớm ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”. Hình ảnh người cha nghiêm nghị trong bộ quân phục, người chị gái với đôi mắt rực lửa lý tưởng..., tất cả đã âm thầm gieo vào trái tim cô bé nhỏ nhắn ngày ấy một ước mơ giản dị mà thiêng liêng: trở thành người lính. “Sau này lớn lên, con cũng muốn trở thành người lính như cha, như chị...”. Ước mơ ấy theo chị suốt những tháng năm cắp sách đến trường. Và rồi đến năm 18 tuổi - độ tuổi đẹp nhất của đời người, Vũ Thị Huyền Ngọc chính thức trở thành thành viên của Đoàn Văn công BĐBP. Với chị, đó không chỉ là sự khởi đầu cho hành trình nghệ thuật, mà còn là sự hòa quyện giữa hai dòng chảy tưởng chừng tách biệt: người lính và người nghệ sĩ.

Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật quân đội, Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc đã đi qua biết bao chặng đường, từ những buổi biểu diễn giữa rừng sâu hay nơi hải đảo xa xôi cho đến những ngày tháng miệt mài sáng tác giữa lòng Hà Nội. Và trong hành trình ấy, ca khúc “Tự hào là người lính” ra đời như một dấu mốc đầy tự hào, như một lời tự sự, một lời tri ân và cũng là tuyên ngôn âm nhạc mang đậm dấu ấn cá nhân. “Ca khúc này là sự chắt lọc của những rung động thật sự từ trái tim. Tôi không chỉ viết về mình, mà viết cho rất nhiều người lính tôi từng gặp - những con người bình dị mà cao cả, hy sinh lặng thầm để đất nước được bình yên” - chị chia sẻ.

Trong từng câu hát của ca khúc “Tự hào là người lính”, người nghe dễ dàng hình dung ra khung cảnh biên giới với những con đường đất đỏ, cột mốc rêu phong, hay cơn gió biển mặn mòi trên những hòn đảo nhỏ. Ở đó, có những người lính trẻ mang theo hoài bão, lý tưởng sống cao đẹp, không ngại khó khăn, gian khổ. Chính họ là nguồn cảm hứng bất tận để Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc viết nên ca khúc đầy xúc động và lan tỏa ấy. “Tự hào là người lính” không phải là một ca khúc mang tính hô hào hay cổ động đơn thuần, nó là bản tình ca viết bằng trái tim, dành cho những con người sống vì lý tưởng.

Phần lời xúc động, giàu chất thơ, hòa quyện với giai điệu mang âm hưởng sử thi nhưng không kém phần hiện đại, khiến ca khúc dễ dàng lan tỏa trong cộng đồng, chạm đến trái tim của công chúng ở nhiều độ tuổi. Ca từ giản dị, nhưng giàu hình ảnh và cảm xúc: “Hành trang là chiếc ba lô trên vai/Cùng niềm tin yêu có Đảng chỉ lối/Với những hoài bão mơ về biên giới tới đảo xa...” là lời nhắn gửi của người nhạc sĩ đến thế hệ trẻ hôm nay, rằng tình yêu Tổ quốc không phải điều gì quá lớn lao, mà bắt đầu từ những điều bình dị, từ lòng tự hào khi khoác lên mình màu áo xanh quân đội.

Là một người lính, Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc hiểu rõ thế nào là kỷ luật, trách nhiệm và sự hy sinh. Là một nghệ sĩ, chị thấm thía giá trị của cảm xúc và sự rung động chân thành. Chính sự dung hòa giữa hai thế giới tưởng chừng khác biệt ấy đã làm nên bản sắc riêng trong âm nhạc của chị - âm nhạc có lý trí của người lính và trái tim của người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc với tác phẩm được giải. Ảnh: Ngô Khiêm

Nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc với tác phẩm được giải. Ảnh: Ngô Khiêm

Đồng đội thường nhắc đến chị như một tấm gương sống giản dị, tận tụy, luôn hết mình với công việc. Dù là biểu diễn ở chương trình nghệ thuật lớn, hay cùng đồng đội đến các đồn Biên phòng xa xôi, chị đều giữ tinh thần lạc quan, kiên cường. Nhiều đồng nghiệp trẻ tại Nhà Văn hóa BĐBP coi chị là người “truyền lửa”, không chỉ bởi tài năng sáng tác, mà còn bởi nhân cách và tâm huyết với nghề. Trước khi nhận giải B từ Bộ Quốc phòng, “Tự hào là người lính” từng giành giải A tại Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2022. Thế nhưng, với chị, mỗi giải thưởng không phải là đích đến mà là động lực để tiếp tục nỗ lực. “Tôi luôn nghĩ rằng, đã viết về người lính thì phải viết bằng sự chân thành và trách nhiệm cao nhất” - chị nói.

Ở tuổi trung niên, khi nhiều người tìm kiếm sự an toàn và ổn định, Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc vẫn miệt mài sáng tác, vẫn lặng lẽ lên đường, đến với những vùng đất mới, những con người mới để lắng nghe, cảm nhận và chuyển hóa thành âm nhạc. Với chị, mỗi chuyến đi là một lần làm đầy vốn sống, là cơ hội để tác phẩm sau được dày dặn và sâu sắc hơn tác phẩm trước. Với sự kiên nhẫn và tận tụy, chị truyền đạt cho thế hệ kế cận không chỉ kỹ năng chuyên môn, mà còn là tinh thần yêu nghề, yêu lính. “Nghệ thuật quân đội không chỉ là nghệ thuật trình diễn, mà còn là nghệ thuật của lý tưởng, của niềm tin” - chị thường nhắn nhủ như vậy với học trò.

Có người từng ví âm nhạc của Vũ Thị Huyền Ngọc như những dòng suối nhỏ, lặng lẽ chảy trong lòng đất, không ồn ào, nhưng thấm sâu và lâu bền. Những ca khúc chị viết, như “Tự hào là người lính” không chỉ là lời ca, tiếng hát, mà còn là câu chuyện của một thế hệ, là bản ghi âm của trái tim người lính thời bình. Và người thắp lên những giai điệu ấy - Trung tá, nhạc sĩ Vũ Thị Huyền Ngọc sẽ còn tiếp tục bước đi, viết tiếp những khúc quân hành mới, tiếp tục truyền cảm hứng cho bao thế hệ bằng tình yêu tha thiết với màu xanh áo lính và đất nước Việt Nam yêu dấu.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/viet-giai-dieu-tu-trai-tim-nguoi-linh-post489366.html