Việt Nam, Ấn Độ dự báo dẫn đầu tăng trưởng tiêu thụ cà phê ở châu Á
Chuyên gia dự báo khu vực này có mức độ cạnh tranh khốc liệt và các chuỗi buộc phải đổi mới để tồn tại.
Theo Nikkei Asia, trong những năm tới, Ấn Độ và Việt Nam sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê tại thị trường châu Á.
Dữ liệu của Euromonitor cho thấy các nước đang phát triển như Philippines và Indonesia cũng sẽ gấp rút tăng lượng caffeine tiêu thụ. Dù vậy Ấn Độ và Việt Nam vẫn đứng đầu danh sách với mức tiêu thụ dự báo tăng lần lượt 37% và 32% cho đến năm 2027.
"Quyền lực mềm"
Nikkei Asia nhận định Việt Nam đã là "vua cà phê" với tư cách là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, cà phê cũng là một mặt hàng xuất khẩu mang tính văn hóa khi các doanh nghiệp và Bộ, ngành đang nỗ lực phổ biến cà phê sữa đá và cà phê phin ra toàn cầu.
Ở thị trường nội địa, "quyền lực mềm" được duy trì thông qua văn hóa cà phê nhàn nhã, không vội vã của các cửa hàng kinh doanh các loại cà phê khác nhau.
“Cà phê là năng lượng cho sự sáng tạo”, Đặng Dương Hải, trợ lý Chủ tịch chuỗi Trung Nguyên Legend, nói với Nikkei Asia.
Ông mô tả đồ uống này bằng những ngôn từ cao cả, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của châu Á. Không chỉ vì các thương hiệu châu Á có thể thâm nhập các thị trường mới mà còn vì thói quen uống cà phê của khu vực này ngày càng tăng, song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Trung Nguyên đã thâm nhập thị trường nước ngoài trong năm nay, mở cửa hàng ở Trung Quốc và Mỹ.
Tổng sản phẩm quốc nội, nhận thức của người tiêu dùng và dân số trẻ ngày càng tăng là những yếu tố mà Euromonitor đã xem xét trong dự báo của mình.
Ví dụ, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh trong năm nay và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nước này sẽ nhảy vọt từ nền kinh tế lớn thứ năm lên thứ ba thế giới vào năm 2027.
Euromonitor cho biết mức tăng thu nhập khả dụng hàng năm cao nhất ở thành thị châu Á đến từ Trung Quốc 6%, Ấn Độ 5% và Việt Nam 4% trong giai đoạn 2017-2022.
Cạnh tranh khốc liệt
“Ngày càng nhiều người uống cà phê và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn”, Lim nói trong bài thuyết trình tại hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á diễn ra tại TP.HCM.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cạnh tranh khốc liệt đang buộc các công ty phải thử các giải pháp sáng tạo để kích thích người tiêu dùng trên khắp châu Á.
Ví dụ, họ đang phát triển các ứng dụng điện thoại thông minh cho phép khách hàng nhận đơn đặt hàng từ robot baristas - các máy bán hàng tự động. Nhận hàng và giao hàng dựa trên ứng dụng nói chung đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, giảm thiểu tiếp xúc.
Hoạt động này vẫn tiếp tục diễn ra sau đại dịch. Doanh nghiệp tung ra khuyến mãi thu hút người dùng sử dụng ứng dụng đồng thời thu thập dữ liệu từ họ.
Những nỗ lực này đang giúp các công ty trong nước chiếm ưu thế. Chẳng hạn, chuỗi cà phê lớn nhất thế giới - Starbucks - đã tụt hậu so với Highlands ở Việt Nam và bám sát Luckin ở Trung Quốc.
Ông Kim Knudsen, Giám đốc kinh doanh tại nhà cung cấp thiết bị GEA, cho biết các doanh nghiệp địa phương đang sản xuất cà phê hòa tan tốt hơn và tiến lên chuỗi giá trị chứ không chỉ đơn thuần trồng cà phê.
Bà Nguyễn Hoài Tâm Anh, Trưởng đại diện Công ty JDE Việt Nam, khẳng định những người uống cà phê đang trở nên sành điệu hơn và thị trường không còn chỗ cho những loại cà phê cấp thấp thấp có pha trộn đậu nành.