Việt Nam - Armenia và Uzbekistan: Thêm trợ lực cho thương mại song phương
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992), Việt Nam-Armenia và Uzbekistan không ngừng thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế- thương mại.

Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Đặc biệt, Armenia và Uzbekistan đều là bạn bè truyền thống của Việt Nam và luôn duy trì sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ cách tiếp cận tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Vì vậy, chuyến thăm chính thức Armenia và Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần mở ra cơ hội phát triển mới cho quan hệ song phương, phù hợp với nhu cầu và lợi ích cũng như đáp ứng kỳ vọng của người dân mỗi nước.
Armenia - bạn hàng truyền thống
Đánh giá từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương): Armenia có quy mô thị trường nhỏ và không có cảng biển, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng với Việt Nam gần như không có. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và các nước Liên minh kinh tế Á Âu (VN – EAEU FTA); trong đó, Armenia là thành viên được ký năm 2015 và có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016 nên giao thương hàng hóa giữa hai bên trong khoảng 5 năm trở lại đây có bước tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2024, thương mại hàng hóa song phương tăng từ mức 1,5 triệu USD năm 2019 lên mức 491.7 triệu USD năm 2024. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 491,7 triệu USD, tăng 42,5% so với năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Armenia đạt 491 triệu USD, tăng 42,4%, nhập khẩu đạt 760 nghìn USD, tăng 141%. Kết quả này đưa Armenia trở thành đối tác thương mại thứ 2 của Việt Nam trong EAEU, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Armenia tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc).
Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Armenia điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; túi xách; giày dép. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Armenia đá quý, kim loại đá quý; sữa và sản phẩm sữa.
Về đầu tư, Armenia có một số dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Armenia, nhất là trong nông nghiệp, chế biến thực phẩm và dệt may.
Nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của quá trình triển khai Hiệp định, Bộ Công Thương đề nghị Armenia trao đổi để EAEU bãi bỏ cơ chế phòng vệ ngưỡng trong Hiệp định VN – EAEU FTA. Trước mắt, đề nghị nới rộng biên độ vượt ngưỡng cho Việt Nam để tránh tình huống hàng xuất khẩu của Việt Nam không vượt ngưỡng trong các năm tới. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến Hiệp định VN-EAEU FTA tới doanh nghiệp Việt Nam và Armenia để tận dụng lợi ích từ hiệp định này.
Bộ Công Thương cho biết: Khóa họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Armenia về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật dự kiến tổ chức trong năm 2025 tại Armenia. Do đó, Bộ Công Thương dự kiến có buổi làm việc với Bộ Kinh tế Armenia để trao đổi về tình hình chuẩn bị Khóa họp lần thứ 2 Ủy ban liên Chính phủ và tình hình hợp tác giữa hai Bộ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Armenia phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tham gia xúc tiến thương mại tại Armenia hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ, kết nối đưa đoàn doanh nghiệp Armenia sang Việt Nam tham dự các hội chợ như Viet Nam Sourcing, Viet Nam Expo, FoodExpo... tìm kiếm nguồn hàng, cơ hội hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Armenia hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm và các sự kiện kinh tế, thương mại tổ chức tại Armenia với tư cách là thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu của Việt Nam.
Uzbekistan- thị trường tiềm năng
Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam- Uzbekistan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua thế nhưng, hợp tác kinh tế - thương mại vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả Việt Nam và Uzbekistan, cơ cấu hàng hóa giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp.
Trong khi đó, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Uzbekistan vẫn còn lớn. Cụ thể, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khoáng sản, nguyên liệu của Uzbekistan để phục vụ sản xuất và đồng thời có thể xuất khẩu các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép, nông lâm thủy hải sản… mà thị trường Uzbekistan có nhu cầu. Ngoài ra, với môi trường kinh doanh và đầu tư tại Uzbekistan đang ngày càng được cải thiện sẽ là tiền đề thuận lợi để Việt Nam và Uzbekistan cùng nhau nghiên cứu, tìm giải pháp tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng.
Theo đánh giá từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Uzbekistan chưa phải là thành viên của WTO nên cơ chế thương mại chưa thông thoáng. Hơn nữa, việc tiếp cận thị trường này gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, rủi ro thanh toán, vị trí địa lý xa xôi và không có cảng biển. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường Uzbekistan tương đối lớn bởi hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh lẫn nhau.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2024, trao đổi thương mại giữa hai bên đạt 202,0 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128,61 triệu USD, tăng 75,0%, nhập khẩu đạt 73,38 triệu USD, giảm 14,9%. Đáng lưu ý, Uzbekistan là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam tại khu vực Trung Á (sau Kazakhstan); trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Uzbekistan tại ASEAN.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Uzbekistan gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ cao su, linh kiện ô tô 9 chỗ. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Uzbekistan gồm phân bón các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, bông các loại.
Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn duy trì quan hệ với Uzbekneftgaz với mong muốn có thể tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác mới. Mặt khác, nghiên cứu việc đa dạng hóa cơ cấu hàng xuất khẩu giữa hai nước, nhất là những mặt hàng tiềm năng; tổ chức xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kết nối giao thương; thúc đẩy hợp tác trong kiểm dịch động, thực vật.
Đáng lưu ý, hợp tác nông nghiệp giữa hai nước trong thời gian qua có chuyển biến tích cực, chủ yếu nhờ doanh nhân người Việt Nam làm ăn sinh sống tại Uzbekistan mở nhà hàng ẩm thực, đầu tư chăn nuôi, liên doanh sản xuất tơ tằm. Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư lập liên doanh tại Uzbekistan để nhập khẩu nông sản (tươi và đã qua chế biến) từ Uzbekistan về Việt Nam nhưng vẫn ở mức độ khiêm tốn. Hơn nữa, Uzbekistan chưa được phép xuất khẩu thực phẩm, nông thủy sản vào Việt Nam do chưa thực hiện việc gửi hồ sơ đăng ký theo quy định. Các mặt hàng nông sản Uzbekistan có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam là chè, cà phê, cao su, hạt tiêu…
Cũng theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, qua làm việc với Bộ Công Thương, Uzbekistan mong muốn trao đổi về khả năng đàm phán một FTA với Việt Nam. Tuy nhiên, Uzbekistan hiện chỉ đang là quan sát viên của WTO và là quan sát viên của Liên minh kinh tế Á - Âu từ tháng 12/2020. Ngoại trừ việc tham gia vào FTA của cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, Uzbekistan chưa ký FTA với nước khác. Do đó, việc đàm phán FTA cần được nghiên cứu, xem xét theo hình thức phù hợp.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Uzbekistan, Bộ Công Thương đang trao đổi với Bộ Đầu tư, Công nghiệp và Thương mại Uzbekistan về việc ký kết Kế hoạch hành động chung 2025-2026 giữa Việt Nam và Uzbekistan trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Uzbekistan.Mặt khác, Bộ Công Thương đang trao đổi với đối tác Uzbekistan để xem xét việc tổ chức Khóa họp lần thứ ban liên Chính phủ Việt Nam - Uzbekistan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật trong quý III năm 2025 tại Hà Nội, Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển khai mở Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Á (đặt tại Kazakhstan, kiêm nhiệm Uzbekistan và các nước C5 thuộc khu vực Trung Á) nhằm tận dụng tối đa các thế mạnh của hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hai bên, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và C5 nói chung, cũng như với Uzbekistan nói riêng.
Đặc biệt, hai bên sẽ tăng cường trao đổi thông tin kinh tế - thương mại gồm tình hình thị trường, chính sách, pháp luật... giữa các cơ quan chức năng. Mặt khác, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại qua việc tham gia hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước theo hình thức phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ mời đoàn doanh nghiệp Uzbekistan tham dự hội chợ triển lãm quốc tế lớn của Việt Nam như chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa dự kiến tổ chức ngày 4-6/9/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Triển lãm Thương mại Quốc tế (Viet Nam Expo) và Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm (Food Expo). Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai bên khi đầu tư vào thị trường của nhau, nhất là tại các lĩnh vực tiềm năng như công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng.