Việt Nam bình luận về khả năng 'Bộ tứ' hợp tác với ASEAN
Sau khi phía Mỹ nói nhóm 'Bộ tứ' nên tăng cường hợp tác với ASEAN, Việt Nam - nước chủ tịch ASEAN 2020 - cho biết luôn hoan nghênh các sáng kiến góp phần vào hòa bình khu vực.
Trả lời Zing về phát biểu gần đây của quan chức cấp cao Mỹ nói nhóm “Bộ tứ” nên tăng cường hợp tác với ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “ASEAN luôn luôn hoan nghênh các sáng kiến, ý tưởng đóng góp vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực”.
Trong lúc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, “Việt Nam mong muốn cùng ASEAN và các nước đối tác chung tay xây dựng kinh tế, phục vụ ổn định cuộc sống người dân, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng”, bà Hằng nói thêm. “Trong quá trình này, luật pháp quốc tế, tinh thần đối thoại và hợp tác luôn được đề cao”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói thêm rằng Việt Nam - trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay - đã và đang đẩy mạnh xây dựng cộng đồng, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và mở rộng quan hệ đối ngoại của khối.
Trước đó, ngày 12/10, phát biểu tại diễn đàn Ấn Độ - Mỹ ở Delhi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết nhóm "Bộ tứ" luôn chào đón các quốc gia khác có chung tầm nhìn về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”.
“Bộ tứ" là một nhóm hợp tác không chính thức gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. "Bộ tứ" hình thành trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực của Trung Quốc.
Ông Biegun kêu gọi các nước trong “Bộ tứ” nên mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực như kinh tế, phát triển, thương mại, đầu tư, y tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo và an ninh.
“Các ví dụ khác (về hợp tác) bao gồm: hợp tác giữa các tập đoàn tài chính phát triển của chúng ta để dành ra gần 25.000 tỷ USD tiền vốn mà khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần cho năng lượng và hạ tầng trong suốt thập kỷ tới”, ông Biegun phát biểu.
“Ở Đông Nam Á, các đối tác ‘Bộ tứ’ có thể tăng cường hợp tác với ASEAN, hợp tác trong việc bảo vệ tự do trên biển, hợp tác trong quản lý, y tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn nước, chia sẻ dữ liệu một cách minh bạch, nhất là về Mekong”.
“Bất kỳ quốc gia nào xem trọng sự tự do, rộng mở của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẵn sàng hành động để đảm bảo điều đó đều được chúng tôi hoan nghênh”, ông Biegun nói thêm.
Hôm 6/10, ngoại trưởng từ bốn nước thuộc nhóm “Bộ tứ” đã có cuộc họp trực tiếp ở Tokyo - lần đầu tiên họ gặp trực tiếp sau hơn một năm.
Trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong nhóm “Bộ tứ”, các ngoại trưởng đồng ý sẽ họp mỗi năm một lần, theo Nikkei Asia.