Việt Nam bước vào thời đại 5G và IoT: Làm gì trước thách thức an ninh mạng?

Thời đại 5G và Internet vạn vật (IoT) đang mở ra một kỷ nguyên mới, hứa hẹn những bước tiến vượt bậc trong công nghệ và cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, 5G và IoT cũng là 'con dao hai lưỡi' khi tạo ra những thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng.

Thời đại 5G và IoT đang mở ra một kỷ nguyên mới nhưng cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng. (Ảnh minh họa: AI)

Thời đại 5G và IoT đang mở ra một kỷ nguyên mới nhưng cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng. (Ảnh minh họa: AI)

Thách thức nghiêm trọng về an ninh mạng

Cùng với tốc độ truyền tải và khả năng kết nối vượt trội, mạng 5G và hệ thống IoT không chỉ kết nối con người mà còn kết nối các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra các lỗ hổng nghiêm trọng, cho phép những hành vi phạm tội “ẩn mình” phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó có những hành vi phổ biến như tội phạm dữ liệu, tấn công mạng, tội phạm lừa đảo, các hành vi tung tin giả, bạo lực mạng...

Tội phạm trên không gian mạng ngày càng sử dụng các phương thức tinh vi như giả mạo danh tính, đánh cắp thông tin cá nhân, hoặc thực hiện các vụ tấn công nhằm vào hệ thống IoT của doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Gần đây, một số cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã bị tấn công mạng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài giờ, nhiều cơ quan đã bị tấn công dữ liệu làm tê liệt hệ thống. Những thiết bị IoT bị xâm nhập có thể trở thành “cửa sau” để hacker kiểm soát dữ liệu quan trọng, từ đó làm gián đoạn toàn bộ hệ thống.

Theo thống kê, trong năm qua, hệ thống giám sát an ninh mạng đã ghi nhận hơn 3 triệu cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), nhắm vào các tổ chức và hệ thống quan trọng trên cả nước. Theo thống kê, có 156 tổ chức và 306 website thuộc các tổ chức chính phủ bị ảnh hưởng, trong đó các chiến dịch phishing đã gây tác động lớn đến ngành ngân hàng với hơn 26.000 người dùng bị ảnh hưởng. Các số liệu này phản ánh mức độ nguy hiểm và sự phức tạp ngày càng gia tăng của các mối đe dọa mạng.

Tội phạm về xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cũng đang là một “vấn nạn” làm đau đầu người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ Công an đã phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc liên quan đến rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng. Theo số liệu báo cáo của TANDTC từ năm 2018 đến năm 2023 các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông chủ yếu bị xét xử chủ yếu là các tội phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao cũng là một “mặt trái” của kỷ nguyên số. Thời quan qua, lừa đảo công nghệ cao hoành hành gây biết bao mất mát, tổn thất cả về kinh tế lẫn tinh thần cho nạn nhân mà chưa thế dứt điểm. Trong cuộc chuyện trò tại buổi tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại TP HCM cuối tháng 11 vừa qua, Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM đã đưa ra những thực tế đáng giật mình về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian qua. Số liệu được ông Hải đưa ra cho thấy, trong năm 2023, Phòng An ninh mạng đã phối hợp với phòng nghiệp vụ công an các đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ghi nhận 1.488 vụ việc, 174 đối tượng và đã tiến hành khởi tố 363 vụ với 51 bị can có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với 1.438 vụ. Về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng công nghệ cao để tấn công, chiếm đoạt, uy hiếp, đe dọa nạn nhân thông qua môi trường mạng mà chủ yếu là liên quan đến các loại tội phạm xâm hại, lừa đảo, tống tiền, làm nhục và các hành vi khác có tính chất xâm hại tình dục và các loại tội phạm khác có liên quan trên không gian mạng. Đối với loại tội phạm xâm hại tài sản, các đối tượng chủ yếu đe dọa nạn nhân thông qua hình thức mạo danh lực lượng thực thi pháp luật. Tội phạm trên mạng còn sử dụng các hoạt động thao túng tâm lý làm nạn nhân lo sợ, “sập bẫy” lừa đảo. Ngoài ra còn có các hành vi đe dọa, tống tiền bằng các thủ đoạn khủng bố tinh thần, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm...

Chưa đến mức độ phạm tội nghiêm trọng, nhưng một hệ quả khác của thời đại 5G, gây nhiều hệ lụy cho xã hội không thể không kể đến vấn nạn tin giả và thực trạng bạo lực mạng đến từ các “anh hùng bàn phím”.

Tin giả chính là “virus số” có sức phá hoại mạnh mẽ trên mạng. Với tốc độ truyền tải nhanh chóng của 5G, tin giả có thể lan truyền chỉ trong vài giây, gây hoang mang dư luận và làm xáo trộn xã hội. Thời gian qua, hàng loạt những tin giả liên quan đến các loại dịch bệnh, thiên tai, thậm chí những thông tin thất thiệt về chính sách của Đảng, Nhà nước được lan truyền vô căn cứ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh xã hội, tác hại cho cộng đồng mà còn làm suy giảm lòng tin vào các cơ quan chức năng và doanh nghiệp.

Cạnh đó, mạng xã hội cùng với lợi thế ẩn danh đã tạo điều kiện để hiện tượng “anh hùng bàn phím” và bạo lực mạng phát triển. Những lời chỉ trích vô cớ, xúc phạm cá nhân hoặc tổ chức không chỉ làm tổn thương tâm lý nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của các cá nhân, doanh nghiệp. Nhiều trường hợp dẫn đến tổn thất không thể phục hồi về danh dự, tinh thần, sức khỏe và tài chính...

Xây dựng không gian mạng an toàn khi bước vào kỷ nguyên số

Theo các chuyên gia, để đảm bảo không gian mạng an toàn khi bước vào thời đại 5G và IoT, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Mà điều quan trọng hàng đầu cần thực hiện là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách quản lý. Chúng ta cần xây dựng và thực thi chặt chẽ các quy định pháp luật về an ninh mạng. Các hành vi phát tán tin giả, lừa đảo trực tuyến, hoặc tấn công mạng phải bị xử lý nghiêm minh với các mức phạt đủ sức răn đe. Cùng với đó là các chiến dịch đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về kĩ năng nhận biết tin giả và xây dựng thói quen ứng xử văn minh trên mạng.

Cạnh đó, các chuyên gia đưa ra lời khuyên tận dụng sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning), áp dụng để phát hiện tin giả, lọc nội dung xấu và phát hiện các hành vi vi phạm. Đồng thời, các hệ thống IoT cần được nâng cấp bảo mật để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.

Tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao là một “mặt trái” của kỷ nguyên số. (Ảnh: MH)

Tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao là một “mặt trái” của kỷ nguyên số. (Ảnh: MH)

Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng thường xuyên vượt biên giới. Việt Nam cần tham gia vào các hiệp ước quốc tế, hợp tác chia sẻ thông tin với các quốc gia khác để nâng cao năng lực ứng phó.

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, các thách thức liên quan đến an ninh mạng vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các cuộc tấn công có tổ chức từ các nhóm “tin tặc” chuyên nghiệp. Do đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển các sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” tiếp tục là những ưu tiên quan trọng. Những nỗ lực này không chỉ giúp tăng cường năng lực ứng phó mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành an ninh mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Có thể khẳng định, thời đại 5G và IoT là xu thế tất yếu, nhưng để khai thác triệt để những lợi ích của nó, cần có hành động quyết liệt để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng. Sự phát triển của công nghệ không chỉ đo bằng tốc độ mà còn bằng khả năng đảm bảo an toàn và quyền lợi cho mọi người dùng. Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội nếu có những giải pháp đồng bộ và những bước đi đúng đắn.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, GS. TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - UEH cho biết, để ứng phó với thực trạng tấn công mạng, Việt Nam đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp chiến lược nhằm tăng cường an toàn thông tin. Một trong những sáng kiến quan trọng là Hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế, được phát triển bởi Cục An toàn thông tin. Dự án này được thiết kế để kiểm định 300 - 500 phiên bản sản phẩm an toàn thông tin trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần tối ưu hóa thời gian đánh giá và giảm chi phí cho các doanh nghiệp nội địa. Nhờ đó, năng lực kiểm soát và bảo vệ an toàn thông tin tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa đã đạt được nhiều thành tựu. Hiện tại, Việt Nam đã làm chủ 90% các sản phẩm an toàn an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định năng lực công nghệ mà còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền mạng và xây dựng một không gian mạng an toàn, bền vững.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/viet-nam-buoc-vao-thoi-dai-5g-va-iot-lam-gi-truoc-thach-thuc-an-ninh-mang-post534818.html