Việt Nam - Campuchia khởi động dự án kiểm soát lao khu vực biên giới

Giới chức y tế Việt Nam, Campuchia cùng các tổ chức quốc tế đã khởi động dự án nhằm đưa ra giải pháp phối hợp điều trị tình trạng bệnh lao giữa hai nước.

 Các quan chức tham gia hội thảo triển khai dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia - giai đoạn 2” ngày 19/5 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trần Hoàng.

Các quan chức tham gia hội thảo triển khai dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia - giai đoạn 2” ngày 19/5 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Trần Hoàng.

Hội thảo triển khai dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia - giai đoạn 2” ngày 19/5 do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam phối hợp Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức, nhằm góp phần nâng cao hợp tác giữa các cơ quan y tế giữa Việt Nam và Campuchia.

Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng của bệnh lao. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao, cả hai quốc gia đều đối mặt với thiếu việc hụt nguồn tài chính để loại bỏ bệnh lao hoàn toàn.

Những rào cản

Theo nghiên cứu do Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam (NTP), Trung tâm Phòng chống Lao và Phong Quốc gia (CENAT Cambodia) và IOM Việt Nam, việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho người di cư qua biên giới gặp 3 rào cản chính.

Thứ nhất là rào cản cấu trúc. Các chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe còn hạn chế, thiếu thốn về thông dịch viên, cán bộ y tế hướng dẫn và thời gian chờ đợi quá lâu.

 Tình hình bệnh lao ở Việt Nam. Đồ họa: IOM Việt Nam.

Tình hình bệnh lao ở Việt Nam. Đồ họa: IOM Việt Nam.

Thứ hai là rào cản tài chính. Việc điều trị bệnh lao trở thành gánh nặng tài chính cho người di cư qua biên giới, họ không có bảo hiểm y tế và chi phí điều trị và chẩn đoán cao. Cuối cùng là rào cản nhận thức, người bị bệnh lao thiếu kiến thức và bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

Các cơ quan chính phủ và phi chính phủ vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã thành lập các nhóm kỹ thuật lao/ HIV qua biên giới nhằm cải thiện cơ chế phối hợp song phương. Bên cạnh đó, các cơ quan còn tổ chức các cuộc đối thoại song phương giữa các chương trình Chống lao quốc gia của hai nước nhằm hợp thức hóa, rà soát và cải thiện cơ chế chuyển gửi qua biên giới.

Bài toán điều trị bệnh lao xuyên biên giới

Hiện nay, việc điều trị lao xuyên biên giới gặp thách thức do mất dấu điều trị bệnh nhân lao do tính biến động cao, chia sẻ thông tin không đầy đủ và thiếu hệ thống giám sát người bệnh di cư qua biên giới.

Từ đó, các cơ quan y tế và di cư khuyến nghị xây dựng cơ chế chuyển gửi bằng nhiều ngôn ngữ để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu khu vực.

 Các quan chức thảo luận tại hội thảo ngày 19/5. Ảnh: Trần Hoàng.

Các quan chức thảo luận tại hội thảo ngày 19/5. Ảnh: Trần Hoàng.

Tiếp đến là tiến hành thử nghiệm cơ chế chuyển gửi qua biên giới và báo cáo trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và khu vực thông qua phỏng vấn với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế và người di cư qua biên giới mắc bệnh lao.

Cuối cùng là xây dựng hệ thống phản hồi giữa các cơ quan y tế của hai quốc gia để theo dõi các trường hợp người mắc lao được chuyển gửi qua biên giới qua điện thoại, thư điện tử và các cuộc họp thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc tích hợp tình trạng chẩn đoán và điều trị lao của bệnh nhân vào cơ chế chuyển gửi để tránh chẩn đoán lặp lại cũng được đề xuất.

Với dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Cambodia - giai đoạn 2”, những người hưởng lợi trực tiếp từ dự án bao gồm người di cư qua biên giới mắc bệnh lao/HIV tại Việt Nam và Cambodia và các cộng đồng nơi có người di cư di chuyển đến tại Việt Nam và Campuchia.

Đối tác của dự án bao gồm Chương trình Phòng chống Lao Quốc gia (NTP) Việt Nam, Trung tâm Phòng chống Lao và Phong Quốc gia Campuchia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đại học Oslo (Na Uy), Cơ quan y tế tỉnh An Giang, Tây Ninh (Việt Nam) và Takeo, Svay Rieng (Campuchia) cùng các cơ quan quan trọng khác trong lĩnh vực lao/HIV.

Mục tiêu của dự án này là để tăng cường sự tiếp cận của người di cư đối với dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao, phù hợp với cam kết khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, Thực hiện việc thử nghiệm Hệ thống chuyển gửi bệnh nhân qua biên giới các tỉnh An Giang, Tây Ninh của Việt Nam và Takeo, Svay Rieng của Campuchia và tăng cường quan hệ đối tác giữa các sở y tế tại các tỉnh dự án thông qua sự thành lập của nhóm Kỹ thuật lao/HIV.

Đức Nhân - Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/viet-nam-campuchia-khoi-dong-du-an-kiem-soat-lao-khu-vuc-bien-gioi-post1432907.html