Việt Nam cần bao nhiêu đơn vị điều trị đột quỵ?
Theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những nước có nhiều người nguy cơ đột quỵ cao nhất... Với dân số gần 100 triệu, số ca đột quỵ sẽ vào khoảng trên 200.000/ năm song số đơn vị điều trị tại Việt Nam còn quá ít
PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Phó Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 tại TP HCM - cho biết đến nay, điều trị tái thông (rtPA và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học) được xem là liệu pháp điều trị mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân đột quỵ. Tuy vậy, ngay cả tại những nước phát triển, tỷ lệ bệnh nhân hưởng lợi từ phương pháp này vẫn khá khiêm tốn.
Việc thành lập các đơn vị điều trị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho cộng đồng tại nhiều quốc gia. Với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt, các đơn vị điều trị đột quỵ cần đạt được con số cần thiết theo khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể đến được trong 60 phút sau khi khởi phát.
Theo PGS Nguyễn Huy Thắng, năm 2012), tại Mỹ, ước tính khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ không thể đến được đơn vị điều trị gần nhất trong vòng 60 phút. Tại hội nghị đột quỵ Mỹ 2022, tỉ lệ này chỉ còn 4%. Ước tính, có đến 96% bệnh nhân đột quỵ có thể được điều trị kịp thời trong 60 phút đầu tiên. Chưa kể, các thành phố lớn có mô hình xe cứu thương đột quỵ lưu động "Mobile Stroke Unit", thời gian điều trị có thể được rút ngắn đáng kể.
Để đạt được điều này, tính đến năm 2020, đã có gần 3.000 đơn vị điều trị đột quỵ được thành lập tại Mỹ. Với con số ước tính gần 800.000 ca đột quỵ mỗi năm, tính ra, chưa đến 300 bệnh nhân/năm/ 1 đơn vị đột quỵ.
PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nhiều người nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỉ lệ ước khoảng hơn 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, số ca đột quỵ sẽ vào khoảng trên 200.000 ca/năm. Dù vậy, nhìn vào số lượng đơn vị điều trị đột quỵ tại Việt Nam hiện tại rất đáng báo động.
Tại Việt Nam, năm 2015, đơn vị điều trị đột quỵ đầu tiên thành lập tại Bệnh viện Nhân dân 115. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, đến nay, 110 đơn vị điều trị đột quỵ (hoặc trung tâm điều trị) đã được thành lập trên toàn quốc.
Dù vậy, phần lớn các đơn vị điều trị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TP HCM hoặc Hà Nội. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh, thành lớn ở 3 miền, cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là, khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài giờ mới có thể tiếp cận được trung tâm điều trị đột quỵ gần nhất.
Tính ra, tại Việt Nam hiện nay, cứ 1 đơn vị điều trị đột quỵ phải phụ trách trên 2.000 bệnh nhân/ năm - so với chỉ 300 bệnh nhân tại Mỹ. Theo khuyến cáo, tỉ lệ lý tưởng là 500 bệnh nhân/ 1 đơn vị điều trị đột quỵ.
"Điều đó có nghĩa, chúng ta sẽ cần 400 đơn vị điều trị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới. Chí ít cũng phải 200, để đạt con số 1.000 bệnh nhân/ năm/ 1 đơn vị điều trị đột quỵ. Hy vọng, Việt Nam sẽ đạt được con số 200 đơn vị điều trị đột quỵ trong 8 năm tới" – PGS Nguyễn Huy Thắng mong mỏi.