Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan

Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa của Việt Nam vào nước này gây bất ngờ lớn và đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Song TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng vẫn còn cơ hội đàm phán đồng thời cũng là cơ hội để mở ra cơ hội để củng cố nội lực và phát triển năng lực sản xuất trong nước.

Dù không quá bất ngờ trước việc áp thuế, nhưng đây thực sự là một cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam. Tác động này có thể là cả gián tiếp và trực tiếp. Một mặt, cú sốc từ thuế quan sẽ khiến thương mại toàn cầu giảm, dẫn đến đà tăng trưởng chậm lại. Trong giai đoạn bất định này, chính sách của Mỹ và sự thu hút đầu tư vào quốc gia đó có thể sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, thị trường Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó những biến động ở thị trường này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu công ăn việc làm và thu nhập tại Việt Nam; Ngoài ra, áp lực lên tỷ giá sẽ lớn…

Để ứng phó với các tác động từ chính sách thuế quan, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó với những tình huống có thể xảy ra. Điều quan trọng là Việt Nam cần giữ vững uy tín và thương lượng khéo léo trong các cuộc đàm phán về thuế quan. Hiện nay, thuế quan của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều quốc gia khác, vì vậy việc ứng xử dựa trên cơ sở lợi ích hài hòa là rất cần thiết. Chính phủ cũng cần có các hỗ trợ thiết thực để giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan.

Yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là việc tập trung đa dạng hóa thị trường, vì hiện tại nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác chính. Dù các hiệp định thương mại đã được ký kết, nhưng việc cung cấp thông tin thị trường và kết nối doanh nghiệp với các quốc gia khác sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuyển hướng.

Trong cuộc họp sáng ngày 3/4, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành phải có đối sách chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, và đặc biệt là thúc đẩy khai thác thị trường nội địa. Về dài hạn, chúng ta cần tập trung củng cố nội lực và phát triển năng lực sản xuất trong nước. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ nền kinh tế trước những cú sốc từ bên ngoài.

Đối với vấn đề lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh này cũng rất khó khăn. Áp lực tỷ giá và lạm phát đang gia tăng, và việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Nếu muốn giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng ta phải cân nhắc rất kỹ về tác động của việc này đối với tỷ giá và lạm phát. Bởi vì lãi suất thấp có thể tác động đến tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát. Dư địa chính sách tiền tệ hiện nay rất hạn chế và vì thế, việc dự báo tăng trưởng cần phải thực tế và không quá lạc quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ (Tổ công tác).

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thành viên Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, thành viên Tổ công tác còn có lãnh đạo các cơ quan liên quan khác do Tổ trưởng quyết định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp ứng phó.

Nhóm phóng viên

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-can-chuan-bi-nhieu-kich-ban-de-ung-pho-voi-chinh-sach-thue-quan-162279.html