'Việt Nam cần có chiến lược, tầm nhìn rõ ràng về AI giữa bối cảnh toàn cầu biến động liên tục'
Ngày 12/11/2024, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam, BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã tổ chức hội thảo với chủ đề 'Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội bứt phá cho Việt Nam?'. Sự kiện nhằm mục tiêu trao đổi tri thức, và bài học thực tiễn về Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo giữa Pháp và Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam hướng đến trở thành nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Pháp đã đặt sự đổi mới vào trung tâm của mối quan hệ song phương giữa hai nước.
“Năm 2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo đến 2030 về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng. Đối với những mục tiêu này, Pháp có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa”, Ông Olivier Brochet khẳng định.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng thứ 44 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024. Đây là một trong những minh chứng cho những nỗ lực thúc đẩy Việt Nam định hướng phát triển nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.
Trí tuệ nhân tạo đang được coi là một trong những công nghệ chủ chốt để hiện thực hóa định hướng này. Việt Nam ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới".
Chia sẻ lý do Việt Nam quyết tâm phát triển AI, ông Đỗ Tiến Thịnh - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết AI giúp tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và làm tăng năng suất lao động của khối khu vực công. Công nghệ này hiện có rất nhiều tiềm năng để ứng dụng trong các lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm y tế, vận tải, cảnh báo thiên tai,...
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của Tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD).
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhìn nhận rõ ràng những thách thức của AI đối với nền kinh tế Việt Nam. AI sẽ làm cho một số ngành biến mất và một số ngành suy giảm mạnh. Ông Thịnh lấy ví dụ, một số công ty quảng cáo tại Việt Nam đã báo cáo suy giảm doanh thu, khách hàng bắt đầu sử dụng những ứng dụng AI để tự tạo video phục vụ mục đích tiếp thị; AI cũng có thể tự sáng tác một bài hát, thiết kế các công trình,...
Về thách thức phát triển AI của Việt Nam đặt trong bối cảnh toàn cầu, Bà Asma Mhalla, Nhà chính trị, chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo người Pháp cho rằng trong bối cảnh đang phân cực trong cả chính trị - kinh tế, Việt Nam cần có chiến lược và tầm nhìn rõ ràng về việc định hướng chiến lược, vị trí trong chuỗi giá trị AI giữa bối cảnh cục diện toàn cầu biến động liên tục. Tuy nhiên, Pháp và Việt Nam có những thuận lợi riêng trong phát triển AI và đây sẽ là yếu tố bổ trợ để hai bên cùng chia sẻ và hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Pháp đang đứng giữa tình hình thế giới phân cực.
Trước bày tỏ mong muốn thiết lập bản đồ cơ hội cụ thể nếu Việt Nam và Pháp cùng hợp tác phát triển AI của ông Đỗ Tiến Thịnh, Đại sứ Pháp cam kết xây dựng sẽ kế hoạch cụ thể để có thể tạo ra mối quan hệ đối tác thực sự cho hai nước trong tương lai.