Việt Nam cần đưa ra kế hoạch bảo tồn voi bài bản và quyết liệt hơn

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, đã đến lúc Việt Nam cần phải có sự đánh giá toàn bộ các nỗ lực bảo tồn voi để rút kinh nghiệm và đưa ra một kế hoạch bài bản và quyết liệt hơn, trong đó mấu chốt cần giải được bài toán cho voi sinh sản.

Trong vòng khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Đáng lo ngại hơn, voi nhà hiện không thể sinh sản, khiến cho bài toán giữ voi nhà càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán, kinh doanh trái phép các sản phẩm làm từ voi (ngà, lông đuôi, xương…) vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển chung quanh vấn đề này.

VOI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI NGUY CƠ MẤT RỪNG, MẤT SINH CẢNH SỐNG

Phóng viên: Đầu tiên, xin ông có thể giới thiệu một số hoạt động cụ thể của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển liên quan đến quần thể voi tại Việt Nam hiện nay?

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã thực hiện các chương trình nghiên cứu và bảo tồn voi từ năm 2017 qua các hoạt động nghiên cứu về quần thể, và giải quyết các xung đột voi-người.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần góp ý cho các tỉnh về các hành động nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn voi, gồm cả các hoạt động thu gom và chăm sóc voi nhà/voi thuần dưỡng để nhân nuôi tái thả trong tương lai.

Hiện nay, CCD vẫn tiếp tục các nỗ lực kể trên, trong đó tập trung thực hiện ở quần thể voi tại tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, CCD cũng vẫn đang tích cực tìm các nguồn kinh phí cần thiết để hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ, phục hồi các quần thể voi ở Tây Nguyên và miền trung.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng suy giảm hiện nay của quần thể voi nói chung tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Mạnh Hà: Bức tranh về voi tại Việt Nam hiện nay đang ở trong tình trạng khá đáng báo động. Theo một nghiên cứu gần đây, trong khoảng gần hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm.

Việc suy giảm quần thể voi trong tự nhiên ở Việt Nam có thể do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất là tình trạng săn bắn trái phép để lấy ngà. Tình trạng này đặc biệt phổ biến trước những năm 1975, sau đó giảm dần đến những năm đầu 1990 trước khi chấm dứt.

Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500-2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124-148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Thứ hai, không ít voi rừng đã bị chết trong chiến tranh. Vào thời điểm này, các vùng rừng từ vĩ tuyến 17 trở vào là vùng ném bom, rải chất độc hóa học. Do đó, không ít voi đã bị tiêu diệt.

Thứ ba, voi đang phải đối mặt với nguy cơ mất sinh cảnh rừng tự nhiên. Tốc độ mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sau những năm 1980 đã làm suy giảm đáng kể các quần thể voi ở Việt Nam. Cụ thể, gần như đến đầu những năm 2000 thì voi ở miền bắc, Bắc trung bộ đã cơ bản biến mất. Các quần thể voi quan trọng còn lại ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng bị suy giảm đến mức tối thiểu trong thời gian này.

Ánh mắt của một chú voi nhà tại Đắk Lắk. (Ảnh: Sơn Bách)

Ánh mắt của một chú voi nhà tại Đắk Lắk. (Ảnh: Sơn Bách)

Đau xót hơn, ở các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, voi cũng dần dần biến mất ở các vùng sống của chúng do bị bắn, hoặc bị tiêu diệt do các xung đột với cộng đồng. Đây cũng là nguyên nhân thứ tư làm suy giảm các quần thể voi cuối cùng tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn từ 1990-2005. Thí dụ, các quần thể voi ở Tánh Linh (Bình Thuận), Tân Phú cũng bị tiêu diệt, hoặc buộc phải di dời do xung đột trong khoảng thời gian này.

CẦN NGHIÊM TÚC NGHĨ TỚI VIỆC GHÉP ĐÔI CHO VOI SINH SẢN

Phóng viên: Thực tế đã có khá nhiều đề án tại Việt Nam cố gắng tìm cách cho voi nhà sinh sản, qua đó giữ lại hy vọng cho công tác bảo tồn voi. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, những nỗ lực này lại chưa thể thành công. Liệu câu chuyện cho voi sinh sản tại Việt Nam có khả quan không, thưa ông?

TS. Nguyễn Mạnh Hà: Trước tiên cần khẳng định: Voi là loài có tốc độ sinh sản chậm, tỷ lệ sinh sản cũng rất thấp; trong khi tỷ lệ tử vong ở voi con lại cao. Ở nhiều nước, mô hình cho voi nhà sinh sản đã được phát triển thành công, song tỷ lệ cũng không cao.

Thí dụ, Thái Lan và Lào - hai quốc gia gần Việt Nam đã có các trường hợp cho voi nhà sinh sản thành công. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng quần thể voi nhà của họ đủ lớn để tiến hành ghép đôi, giao phối thành công. Hơn thế, voi tại các quốc gia này cũng được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng và… không phải “lao động” trong quá trình sinh sản.

Một cá thể voi rừng tại Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Văn Cường)

Một cá thể voi rừng tại Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Văn Cường)

Trong khi đó tại Việt Nam, số lượng voi nhà còn rất ít, lại nằm rải rác ở nhiều địa phương. Phần lớn trong số này là voi già, đã kiệt sức vì phải lao động trong nhiều năm. Chính vì thế, khả năng sinh sản thành công sẽ thấp và gần như chưa ghi nhận được trường hợp voi nhà sinh sản nào trong khoảng hàng chục năm trở lại đây.

Về mặt vĩ mô, tôi cho rằng có lẽ Việt Nam chưa có cách tiếp cận, cách làm phù hợp và chưa chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật cũng như hạ tầng nên chưa thành công. Có lẽ tới đây, chúng ta sẽ phải đánh giá lại toàn bộ các nỗ lực trước đây, sau đó rút kinh nghiệm để đưa ra một kế hoạch bảo tồn bài bản và quyết liệt hơn. Thành công của việc nuôi, nhân giống bảo tồn sẽ là tiền đề để tiến tới tái hoang dã rồi tái thả voi trở lại các vùng phân bố cũ.

Phóng viên: Tháng 8 được coi là tháng của voi với Ngày voi thế giới (ngày 12/8 vừa qua). Nhưng thực tế, voi vẫn chưa được "cởi trói" đúng nghĩa. Chúng tôi đã khảo sát và thấy voi vẫn âm thầm cõng khách tại hồ Lắk, voi vẫn bị nhổ lông đuôi bán tại Buôn Đôn. Với tư cách một tổ chức bảo tồn, ông đánh giá thế nào về tình trạng này? Làm thế nào để có thể thực sự cởi trói cho voi nhà, thưa ông?

TS. Nguyễn Mạnh Hà: Việc voi bị buộc phải lao động quá sức, đặc biệt đối với quần thể voi nhà rất già cỗi của Việt Nam, điển hình như việc dùng voi để phục vụ du lịch, cho cưỡi voi là hành động phản cảm và cần được sớm xóa bỏ. Theo tôi, đây là một sản phẩm du lịch xấu xí, thiếu trách nhiệm và cần được loại bỏ như một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch bảo tồn voi. Chúng ta đã và đang thực hiện từng phần tại Đắk Lắk.

Trong khi đó, việc sử dụng các sản phẩm từ voi làm trang sức cũng đang là một vấn nạn, một trào lưu xấu. Không có sách vở hay một truyền thống nào cổ súy cho hành vi này. Chỉ vì niềm tin mù quáng của con người, nhiều cá thể voi đã bị chặt đuôi. Lúc này, voi đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh khi mất đi “vũ khí” để xua đuổi côn trùng có hại.

Tác giả bài viết được mời mua một bộ răng và xương voi tại chuyến thực tế đầu tháng 8 vừa qua tại tỉnh Gia Lai.

Tác giả bài viết được mời mua một bộ răng và xương voi tại chuyến thực tế đầu tháng 8 vừa qua tại tỉnh Gia Lai.

Để giải quyết được các vấn đề nêu trên, chúng ta cần có các hành động mạnh mẽ, thí dụ việc đưa toàn bộ các cá thể voi nhà còn lại về một trung tâm bảo tồn đủ điều kiện, dưới sự chăm sóc của các chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết. Nhà nước có thể trực tiếp đầu tư, giám sát hoặc cũng có thể tạo cơ chế xã hội hóa để huy động nguồn lực cộng đồng để cùng chung tay bảo tồn voi. Tôi cho rằng không thiếu doanh nghiệp, và người dân sẽ ủng hộ các nỗ lực bảo tồn voi nếu có một cơ chế huy động tốt, minh bạch cho các nỗ lực bảo tồn như vậy.

Voi nhà chở khách du lịch tại hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk tháng 8/2023. (Ảnh: Sơn Bách)

Voi nhà chở khách du lịch tại hồ Lắk, tỉnh Đắk Lắk tháng 8/2023. (Ảnh: Sơn Bách)

Phóng viên: Vậy, công tác bảo tồn voi sắp tới nên được vận hành theo cách thức nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Mạnh Hà: Tôi cho rằng, chúng ta trước hết nên ưu tiên bảo vệ voi hoang dã, vốn đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Muốn thực hiện hiệu quả, trước hết cần tăng cường công tác giám sát. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn 5 quần thể voi tự nhiên nên việc giám sát và bảo vệ không quá khó.

Đối với các khu vực còn một vài cá thể cuối cùng thì biện pháp di chuyển về các khu vực có điều kiện sống tốt hơn, và có cơ hội nhập đàn cũng cần phải ưu tiên. Việc này cần chuẩn bị kỹ về kỹ thuật, nhưng cũng cần thực hiện sớm để tăng cơ hội sống sót, tăng khả năng phục hồi trước khi voi bị chết vì bệnh tật hoặc từ nguy cơ xung đột với con người.

Voi rừng được chụp lại tại Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường)

Voi rừng được chụp lại tại Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường)

Bên cạnh đó cũng cần đưa ra chính sách đền bù và hỗ trợ rõ ràng cho các vùng nơi có xung đột voi-người. Khi cộng đồng được đền bù, hỗ trợ nhanh chóng và thỏa đáng sau xung đột với voi, nguy cơ voi bị giết với mục đích “trả thù” cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Giải quyết được các vấn đề đó, thì mới có khả năng bảo vệ và hướng tới việc phục hồi được quần thể voi ở Việt Nam.

CHẮC CHẮN VOI SẼ HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC TRỞ VỀ NHÀ

Phóng viên:Vừa qua, nhiều ý kiến kêu gọi đưa 2 chú voi tại vườn thú Thủ Lệ về lại Vườn quốc gia Yok Đôn để chăm sóc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện cho rằng, nếu đưa về môi trường bán hoang dã mà không tính toán kỹ lộ trình, hai chú voi rất dễ bị stress và tử vong. Là một chuyên gia, ông đánh giá thế nào về khả năng tái hòa nhập của hai chú voi này. Liệu phương án đưa voi từ sở thú “về nhà” có thực sự khả thi?

TS. Nguyễn Mạnh Hà: Tôi cũng có thăm vườn thú Thủ Lệ nhiều lần và cho rằng, điều kiện chăm sóc động vật ở đó cần phải được cải thiện về cả chuồng nuôi, thức ăn và các điều kiện phúc trạng khác. Thí dụ, động vật được khách cho ăn bất cứ cái gì mà khách có. Ngoài ra có quá nhiều các hoạt động vui chơi, tiếng ồn từ loa của các quầy dịch vụ quanh chuồng động vật… Với điều kiện nuôi, và phúc trạng như vậy, voi được về với thiên nhiên, tức là về nhà của mình thì là điều hạnh phúc nhất mà chúng đang mong muốn.

Hai chú voi tại vườn thú Hà Nội được tháo xích vào ngày 17/8 vừa qua.

Hai chú voi tại vườn thú Hà Nội được tháo xích vào ngày 17/8 vừa qua.

Tất nhiên, để hòa nhập trở lại thiên nhiên sau một thời gian dài sống trong điều kiện nuôi nhốt, các cá thể voi sẽ cần thời gian để thích nghi, phục hồi. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn, vì chúng ta sẽ không chỉ đem hai chú voi đó vào Yok Đôn rồi bỏ đó quay về coi như hết trách nhiệm. Ngay sau đó sẽ là quá trình hoang hóa cho voi, bằng cách tái thả từng phần, bổ sung thức ăn, giám sát thường xuyên để chúng có thời gian thích nghi và tái hòa nhập với thiên nhiên hoàn toàn. Đối với kỹ thuật và công nghệ hiện có, việc giám sát có thể thực hiện một cách dễ dàng chính xác, với chi phí không cao.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất, có thể chuyển hai chú voi đó vào một trung tâm chăm sóc bảo tồn voi, để chúng có cơ hội hòa nhập với các cá thể voi nhà khác và tham gia vào chương trình sinh sản, bảo tồn voi thuần hóa.

Nếu làm được, đây sẽ là một minh chứng thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn voi.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông vì cuộc trao đổi cởi mở này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-can-dua-ra-ke-hoach-bao-ton-voi-bai-ban-va-quyet-liet-hon-post767908.html