Việt Nam cần hành động để tránh những hệ lụy từ thương chiến Mỹ-Trung
Tờ Nikkei Asia Review vừa đăng bài phân tích với tiêu đề 'Việt Nam cần hành động táo bạo để tránh bị dồn vào bước đường cùng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung'.
Bài viết của chuyên gia William Pesek, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học được từ những thập kỷ mất mát của Nhật Bản”, về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam.
Theo nội dung bài viết, giữa lúc mức thuế 25% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại cho các chuỗi cung ứng, các nhà máy của Việt Nam nhận được cơ hội kinh doanh từ các công ty đa quốc gia trong nỗ lực tìm lối thoát để tránh các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các nhà máy này đã tăng cường sản xuất điện thoại thông minh, giày dép, quần áo, đồ gỗ. Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong giai đoạn này, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 17 tỷ USD.
Đội ngũ quan chức của Tổng thống Mỹ Trump đã lưu ý tới vấn đề này. Họ biết các nhà cung ứng đã sử dụng các thủ thuật để lách luật và tránh các biện pháp thuế quan của Washington.
Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu xuất khẩu thép sang Mỹ thông qua Việt Nam để tránh thuế. Ban đầu, Nhà Trắng nói bóng gió về sự bất mãn của họ trước thực trạng này vào tháng 5/2019 khi đưa Việt Nam vào danh sách các nước phải theo dõi về thao túng tiền tệ.
Đầu tháng này, Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt thuế quan đối với Việt Nam cao hơn 18 lần so với những gì mà họ đã áp đặt lên Bắc Kinh. Mức thuế 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam thể hiện quyết tâm của Tổng thống Trump buộc Việt Nam phải khuất phục. Đây cũng là dấu hiệu báo trước về những xáo trộn lớn hơn sắp diễn ra.
Đầu tiên, ông Trump chĩa mũi dùi vào Trung Quốc. Bây giờ là Việt Nam. Sắp tới có thể là Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và sau đó có thể lại là Trung Quốc - quốc gia mà ông Trump đã nhiều lần cáo buộc “đánh cắp” nhiều việc làm của người Mỹ hơn bất cứ nước nào khác.
Hiện nay, đội ngũ quan chức của Tổng thống Trump đã hiểu rõ cuộc chơi và chắc chắn sẽ có thêm các hành động chống lại hàng hóa có gắn mác “Made in Vietnam”. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tăng cường theo dõi các biến động về tỷ giá giữa đồng USD và VND.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,71% trong quý 2/2019, một trong những mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á, chủ yếu nhờ động lực “thay thế cho Trung Quốc”. Tỷ giá VND/USD thấp cũng đang hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Không giống sự tăng giá của các đồng tiền của Indonesia, Thái Lan và Philippines, đồng VND của Việt Nam hầu như không thay đổi so với USD khi đồng USD có xu hướng yếu đi. Điều đó không thoát khỏi con mắt của ông Trump.
Mặc dù vậy, nhà kinh tế Rob Carnell của ngân hàng ING Bank cho rằng Việt Nam chỉ hưởng lợi “một cách tự nhiên”. “Bạn tăng chi phí và người ta sẽ cố gắng tìm cách khác để né tránh”.
Chẳng hạn, Nintendo đang chuyển sản lượng máy chơi game Switch của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các công ty khác như GoPro, Hasbro, Ikea, Nike đều làm tương tự.
Và như Nikkei Asian Review đã đưa tin hôm 17/7, Apple đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm sản phẩm tai nghe không dây AirPods ở Việt Nam chứ không phải Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận với các tập đoàn như Samsung Electronics, Intel hay Nestle nhờ chính sách thương mại mở, chi phí nhân công thấp và vị trí địa lý gần các nền kinh tế năng động nhất châu Á của nước này.
Người cầm đầu chủ trương bảo hộ của Mỹ (Tổng thống Trump) muốn Việt Nam phải kiềm chế thặng dư thương mại. Cho đến nay, Việt Nam đã học theo Nhật Bản và đề nghị mua hàng hóa của Mỹ. Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng tăng số lượng đơn hàng đặt mua máy bay Boeing cũng như năng lượng và một số sản phẩm khác.
Capital Economics nhận định nếu Tổng thống Trump áp đặt mức thuế 25% lên Việt Nam như ông đã từng làm với Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 25%. Đây sẽ là thiệt hại rất lớn đối với nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Cho đến nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, các nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam có thể giúp giảm bớt thiệt hại. Cùng với việc tham gia Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường khác.
Vì vậy, những chỉ trích của Tổng thống Trump có thể là lời cảnh tỉnh để Việt Nam hiện đại hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong báo cáo ngày 8/7, hãng xếp hạng tin nhiệm Fitch Ratings cảnh báo lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam đang trở nên “dễ tổn thương hơn trước các cú sốc do việc sử dụng các công cụ đòn bẩy đang tăng”. Theo ước tính của Fitch Ratings, tín dụng ngân hàng đã đạt ngưỡng 134% GDP vào cuối năm 2018. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân 60% của các nước có cùng xếp hạng tín dụng BB.
Trong khi đó, nền kinh tế có quy mô 266 tỷ USD của Việt Nam đang phải đối mặt với sự rung lắc kinh niên. Tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển từ lạc quan một cách phi lý sang tiêu cực quá mức, khiến Việt Nam dễ phải đối mặt với nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi nước này.
Một ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam là đẩy nhanh các nỗ lực tư nhân hóa hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh. Khu vực tư nhân đang giữ vai trò quan trọng đối với sự cạnh tranh.
Điều quan trọng khác nữa là vượt qua “chiếc bẫy thu nhập trung bình”. Giống như Indonesia, Malaysia và Philippines, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro của nước có thu nhập bình quân đầu người ở dưới 10.000 USD/năm. Ngày nay, thu nhập danh nghĩa ở Việt Nam là 2.600 USD. Với tỷ lệ 70% dân số ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam phải tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao, không phải chỉ là các công việc tạm thời ở các nhà máy.
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam nhằm giúp sản sinh ra một hoặc hai “kỳ lân công nghệ” để làm sinh động hơn bức tranh IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của nước này.
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang trở nên quyết liệt hơn, Việt Nam hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh việc đa dạng hóa các động lực tăng trưởng và chuyển đổi nền kinh tế. Đó là một công việc khó khăn. Nhưng trên thực tế, Tổng thống Trump buộc Việt Nam phải làm điều mà nước này cần phải làm./.