Việt Nam cần làm gì để tái khởi động dự án điện hạt nhân an toàn, hiệu quả?

Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh, song bài toán đầu tư và nguyên tắc an toàn cần được đặt lên hàng đầu.

Điện hạt nhân giải bài toán thiếu điện và phát thải

Năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhưng sau đó lại tạm dừng vào năm 2016 vì nhiều thách thức, trở ngại. Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đang quay trở lại với điện hạt nhân. Việt Nam trong công cuộc đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới nhằm đạt mục tiêu Net zero cũng nằm trong xu hướng đó.

Ngày 21/10 vừa qua, tại phiên họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tại dự án Luật này, Bộ Công Thương có đưa ra đề xuất Nhà nước độc quyền phát triển điện hạt nhân. Việc này đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới việc tái khởi động lại chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Phát triển điện hạt nhân, bài toán an toàn được đặt lên hàng đầu.

Phát triển điện hạt nhân, bài toán an toàn được đặt lên hàng đầu.

Ông Phạm Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) cho rằng, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn.

Tại Việt Nam, theo tính toán, giá thành điện hạt nhân đắt hơn nhiệt điện than nội địa, nhưng rẻ hơn nhiệt điện than nhập khẩu. Giá điện cũng rẻ hơn nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG). Các nhà máy khi đã hết tuổi thọ (ví dụ trước đây là 30-40 năm), nếu vẫn tốt và qua được đánh giá an toàn, được cấp phép tiếp tục vận hành, phát điện thì giá thành điện sẽ rẻ.

Nếu quyết định trở lại với điện hạt nhân, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không chỉ giúp quá trình chuyển dịch năng lượng, mà phát triển điện hạt nhân còn là cơ hội để các quốc gia đột phá về khoa học công nghệ.

TS. Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng cho rằng xu thế thế giới bây giờ quay trở lại điện hạt nhân và quay lại với những tổ máy nhỏ 50 MW. Việc khởi động dự án điện hạt nhân thời điểm này là khả thi.

Nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ sẽ không hiệu quả kinh tế như nhà máy lớn nhưng có ưu điểm hạn chế tối thiểu thiệt hại có thể xảy ra. Lịch sử phát triển các cường quốc trên thế giới cho thấy, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra bước đột phá về khoa học công nghệ.

Theo Bộ Công thương, hiện có 32 quốc gia trên thế giới sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân để phát điện, tạo ra khoảng 9,1% lượng điện năng của thế giới vào năm 2023.

Nguồn năng lượng hạt nhân được phát triển chủ yếu tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á. Hoa Kỳ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất, trong khi Pháp có thị phần điện năng được tạo ra từ năng lượng hạt nhân lớn nhất. Dự báo của cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), đến năm 2050 tổng công suất của điện hạt nhân thế giới sẽ tăng lên từ 1,5 đến 2,5 lần so với hiện tại.

Giải quyết thách thức an toàn thế nào?

Một trong những vấn đề lớn nhất khi phát triển điện hạt nhân là an toàn. TS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & kỹ thuật hạt nhân cho biết, lo ngại "không an toàn" ở dự án điện hạt nhân có hai vấn đề chính. Đó là tai nạn lớn phát thải phóng xạ ra môi trường và vấn đề chất thải phóng xạ trường tồn hàng ngàn năm.

Các phân tích khoa học cho thấy, điện hạt nhân rất an toàn so với nhiều dạng năng lượng điện khác. Hiện công nghệ đã phát triển ở mức có thể kiểm soát được rủi ro.

Theo Bộ Công thương, khi phát triển điện hạt nhân sẽ sử dụng công nghệ mới (công nghệ thứ 3, thứ 4). Ngoài ra, các công nghệ đã được áp dụng thực tiễn, đảm bảo tối đa an toàn, cố gắng đưa mức độ rủi ro về 0.

Một điểm khác, Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế để phối hợp giúp công tác chuẩn bị về luật pháp, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật phải đạt yêu cầu chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng tốt về an toàn hạt nhân. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên của nước ta có nhiều địa điểm trên nền đá vững chắc ven biển, cách xa vành đai núi lửa gây động đất, sóng thần – vốn là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tai nạn phát tán phóng xạ.

Trước đây, Ninh Thuận từng được chọn là nơi đặt 2 nhà máy điện hạt nhân. Theo một chuyên gia Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa điểm quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong đó thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận đã được các đơn vị liên quan và đối tác nước ngoài nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng trong thời gian dài và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA. Tới đây, khi khởi động lại dự án, vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân sẽ tiếp tục được nghiên cứu và lựa chọn kỹ lưỡng thêm một lần nữa.

Theo lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị lâu dài, ít nhất khoảng 12-15 năm. Đó là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực về công nghệ, an toàn điện hạt nhân, chuẩn bị hệ thống pháp quy hạt nhân đầy đủ, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc triển khai dự án, xây dựng năng lực khoa học công nghệ, quản lý dự án, công nghiệp...

"Việc có chủ trương để bắt đầu sớm sự chuẩn bị tốt là yếu tố quan trọng cho việc thực hiện thành công các dự án điện hạt nhân", ông Phạm Quang Minh khẳng định.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-can-lam-gi-de-tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-an-toan-hieu-qua-169241028113733491.htm