Việt Nam cần làm gì để trở nên 'nổi bật trong thu hút FDI'?
Chia sẻ của ông Johan Alvin, Trưởng bộ phận Xúc tiến Thương mại và Kinh tế, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam...
"Để trở nên nổi bật, theo tôi Việt Nam cần tăng cường sự minh bạch. Chúng tôi đã nghe được nhiều phản ánh, không chỉ từ các công ty của Thụy Điển mà từ cả các quốc gia khác trên thế giới, rằng hệ thống thuế và hải quan của Việt Nam chưa đủ minh bạch và họ gặp khó khăn khi thực thi", ông Johan Alvin, Trưởng phòng Xúc tiến thương mại và kinh tế, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ.
Trả lời phỏng vấn mới đây của phóng viên VnEconomy, ông Johan Alvin đã có những chia sẻ xoay quanh chuyến thăm giữa đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Thụy Điển nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao trong tháng 5 vừa qua cùng những đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư tập trung vào phát triển "xanh"
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã trao Ý định thư về tín dụng đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam, tập trung vào những lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ… Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong các lĩnh vực này và đâu sẽ là mũi nhọn cho dòng vốn từ Thụy Điển vào Việt Nam?
Đầu tiên, tôi phải nói là tháng 5 là một tháng rất tuyệt vời cho mối quan hệ Thụy Điển - Việt Nam, bắt đầu bằng chuyến thăm đến Việt Nam từ ngày 6 - 8/5 của Công chúa kế vị Thụy Điển cùng đoàn đại biểu cấp cao và 50 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển. Chuyến đi đã gửi một thông điệp rằng các công ty Thụy Điển rất quan tâm tới việc trở thành một phần trong sự phát triển của Việt Nam.
3 tuần sau đó chúng tôi đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn doanh nghiệp rất lớn tại Stockholm (Thụy Điển). Chuyến thăm tại Hà Nội và Stockholm của 2 nước đều được tiếp đón bởi các cấp lãnh đạo cao nhất, phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta sẽ tiếp nối mối quan hệ truyền thống tốt đẹp 50 năm qua.
Trong cuộc hội đàm song phương giữa hai Thủ tướng tại Stockholm, các phần thảo luận tập trung vào định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng của Việt Nam trong công nghiệp hóa và tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong đó bao gồm thảo luận về vấn đề xử lý rác thải, biến rác thải thành năng lượng, đây là lĩnh vực mà Thụy Điển có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, thảo luận cũng tập trung vào việc giúp tăng khả năng phát triển bền vững cho các đô thị của Việt Nam, xây dựng mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng theo định hướng này. Đây là các lĩnh vực quan trọng cho dòng vốn đầu tư của Thụy Điển tại Việt Nam.
Trong cuộc thảo luận, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ý định thư về việc đầu tư vào một số dự án liên quan tới quản lý giao thông hàng không, ví dụ như tại dự án sân bay Long Thành ở Tp.HCM. Một nguyên nhân khiến lĩnh vực này nhận được sự quan tâm của phía Thụy Điển là hai nước có sự tương đồng về mặt địa lý, đều trải dài từ Bắc tới Nam. Để tăng khả năng kết nối thì cần phải tập trung vào việc tăng khả năng khai thác các đường bay thương mại. Chúng tôi có các thế mạnh và kinh nghiệm nhất định trong việc tổ chức và phát triển các đường bay "xanh", cũng như các sân bay "xanh", giảm tác động đến môi trường.
Cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, như công nghiệp hóa chất, nhiệt điện bền vững, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), giáo dục đào tạo... Tựu chung lại, những hợp tác này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng suất lao động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với nhu cầu rất lớn tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Thụy Điển có thể cung cấp. Cũng trong chuyến thăm vừa rồi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hãng dược AstraZeneca của Thụy Điển đã cam kết đầu tư 220 triệu USD trong thời gian rất ngắn. Và rất nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ quan tâm đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy triển vọng sáng lạn trong tương lai.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ xuất hiện làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác của các tập đoàn sản xuất lớn. Theo ông, xu hướng này có thể mở ra cơ hội nào cho thương mại song phương Việt Nam - Thụy Điển?
Chắc chắn có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác và Việt Nam là một trong số đó. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không tốt cho đại cục. Tôi cho rằng, kể từ trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, đã có rất nhiều lý do để các doanh nghiệp chuyển ít nhất một phần dây chuyền sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Và chiến tranh thương mại thúc đẩy xu hướng này gia tăng.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã nhận được rất nhiều yêu cầu về thông tin liên hệ từ các doanh nghiệp Thụy Điển đang có ý định hoặc đã quyết định chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang các địa phương của Việt Nam như Hải Phòng. Là một quốc gia xuất nhập khẩu toàn cầu, Thụy Điển cũng như Liên minh châu Âu (EU) không muốn thấy xung đột thương mại, chúng tôi muốn sự ổn định, ít rào cản và mong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sớm được giải quyết. Theo tôi, chắc chắn xu hướng dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Thụy Điển sẽ còn tiếp diễn.
"Cần tăng tính minh bạch"
Ông có thể so sánh môi trường đầu tư của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia, Philippines? Việt Nam có thể làm gì để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Thụy Điển?
Tôi cho rằng các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines đều là những nước rất mạnh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đều đang có những biện pháp nhằm thu hút thêm đầu tư. Đặc biệt, giống như Việt Nam, Philippines và Indonesia, đều duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và có số lượng người có thu nhập trung bình ngày càng tăng. So với Việt Nam, Thái Lan có quy mô dân số nhỏ hơn và thị trường tiêu dùng đã tương đối bão hòa.
Tuy nhiên, tôi cho rằng độ mở cửa về mặt thương mại, sẵn lòng trong thu hút và chăm sóc các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khác với 3 quốc gia trên. Tựu chung, tôi cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam trong bức tranh chung của khu vực có khả năng cạnh tranh nhất định, có các điều kiện mà theo quan điểm của các nhà đầu tư Thụy Điển là khá ưu đãi và tích cực.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nhưng cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia trong khu vực với cùng thế mạnh đang diễn ra ngày càng gay gắt. Và để trở nên nổi bật, theo tôi Việt Nam cần tăng cường sự minh bạch, đặc biệt trong hệ thống thuế và hải quan. Chúng ta đã nghe được nhiều phản ánh, không chỉ từ các công ty của Thụy Điển mà từ cả các quốc gia khác trên thế giới, nói rằng hệ thống thuế và hải quan của Việt Nam chưa đủ minh bạch và họ còn gặp khó khăn khi thực thi.
Với tư cách là một thành viên của EU, chúng tôi cũng rất mong đợi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn, kỳ vọng vào tháng 6 năm nay tại hà Nội hoặc Brussels, Bỉ. Nhưng sau khi ký kết xong thì hiệp định cần phải được phê chuẩn bởi nghị viện châu Âu để đưa vào thực thi. Và nếu Việt Nam muốn thực sự dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh trên, các bạn cần gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nghị Viện châu Âu và cải thiện các vấn đề liên quan tới nhân quyền, tự do ngôn luận, đưa vào triển khai các thỏa ước về lao động tập thể theo quy ước được đưa ra bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)... để EVFTA sớm được phê chuẩn và đưa vào thực thi.