Việt Nam cần một thế hệ doanh nhân đóng vai trò dẫn dắt để thực hiện hóa khát vọng hùng cường
Trước khi trở thành quốc gia hùng cường, điều đầu tiên Việt Nam cần làm là thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong khi điều này phải có sự đóng góp của cộng động doanh nghiệp và thế hệ doanh nhân đóng vai trò dẫn dắt....
Tại chương trình giao lưu với chủ đề Khát vọng Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh trong khuôn khổ sự kiện công bố và Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những chia sẻ về việc thực hiện hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Theo ông Lộc, trong sự nghiệp đổi mới suốt mấy chục năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc thoát nghèo, đưa hàng chục triệu người từ nền kinh tế nông nghiệp nông thôn năng suất thấp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn.
Tuy nhiên, dù đã trở thành nước thu nhập trung bình nhưng Việt Nam vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp. Bẫy thu nhập trung bình này rất khó vượt qua. Thực tế, rất ít quốc gia trên thế giới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Vì vậy, theo ông Lộc, trước khi nói đến khát vọng hùng cường, Việt Nam hãy nói đến việc làm sao vượt được bẫy thu nhập trung bình. Đây chính là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.
"Để thực hiện sứ mệnh thoát bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải coi cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng tiên phong. Trong khi đó, muốn trở thành một cộng đồng doanh nghiệp có thể dẫn dắt trên thế giới, Việt Nam không thể chỉ có vài doanh nghiệp cá biệt mà cần một thế hệ doanh nhân cần đóng vai trò dẫn dắt", ông Lộc nói.
Đồng thời, Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, phải tạo ra một thể chế nền kinh tế thị trường thực sự minh bạch, thực sự có lợi, thực sự an toàn cho các doanh nhân.
"Trong những năm qua, chúng ta đã tạo ra môi trường kinh doanh, nhưng giờ đây, cộng đồng doanh nhân cần môi trường kinh doanh an toàn. Đây đang là vấn đề hàng đầu đối với họ. Họ mong muốn có thể yên tâm hoạt động dài hạn, có thể yên tâm đầu tư dài hạn được chứ không phải ăn xổi ở thì", ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lộc cho rằng muốn trở thành dân tộc phát triển nền kinh tế hùng cường thì Việt Nam cũng cần nguồn nhân lực có trình độ cao. Hiện nay, 4 người lao động ở Việt Nam chỉ có 1 người được đào tạo có tay nghề và có bằng cấp, còn 3 người trong 4 người không có bằng cấp, không được đào tạo về nghề nghiệp.
Để làm được điều này, trước hết Việt Nam cần học tập những mô hình kinh doanh trên thế giới, tức tiếp thu tinh hoa để cải tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó mới chuyển tiếp sang quá trình sáng tạo.
Thực tế cho thấy, Hàn Quốc học tập rất nhiều từ Nhật Bản về quy trình khoa học, công nghệ để đưa vào hệ thống giáo dục. Và Nhật Bản lại học tập từ các quốc gia phương tây. Chính vì vậy các quốc gia này có nền giáo dục về công nghệ và kinh tế có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của họ. Sau đó, họ mới tiếp tục cải tiến để trở thành những tinh hoa tốt nhất nhân loại.
"Như vậy, sáng tạo là phát triển sau này. Nếu coi trào lưu sáng tạo là dòng chủ đạo của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta sẽ thất bại. Xu hướng chủ đạo phải là xu hướng đổi mới, tức học tập cái mới để cải tiến cái đang có. Khi nào chúng ta có hệ sinh thái ở trình độ cao và cơ sở hạ tầng phù hợp thì lúc đó có nền tảng cho chúng ta sáng tạo", ông Lộc nhấn mạnh.
Mặc dù thời gian gần đây Việt Nam có một vài doanh nhân rơi vào vòng lao lý nhưng ông Lộc đánh giá điều này là cần thiết giúp tạo ra môi trường doanh nhân bình đẳng, minh bạch.
"Bên cạnh yếu tố công nghệ, nâng cấp thể chế là con đường độc đạo mà các doanh nhân và nền kinh tế Việt Nam phải làm nếu muốn vượt bẫy thu nhập trung bình trước khi hiện thực hóa khát vọng hùng cường”, ông Lộc nói.