Việt Nam - Canada chia sẻ mục tiêu chống biến đổi khí hậu

Nhân chuyến công du sang Việt Nam, ông AHMED HUSSEN, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Canada, đã dành cho ĐTTC cuộc phỏng vấn về những thành tựu trong quan hệ song phương Việt Nam - Canada sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Rừng ngập mặn Cần Giờ - "lá phổi xanh" của TPHCM, được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo ông AHMED HUSSEN, Canada đánh giá cao vai trò và vị trí Việt Nam trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời mong muốn Việt Nam sớm tham gia sáng kiến “Định giá carbon toàn cầu”, xem đây là một trong những nội dung quan trọng trong hợp tác song phương thời gian tới.

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về những kết quả trong quan hệ song phương Việt Nam - Canada 50 năm qua, nhất là 30 năm gần đây kể từ khi 2 nước tăng cường hợp tác phát triển?

Ông AHMED HUSSEN: - Mối quan hệ hợp tác Canada - Việt Nam là mối quan hệ giữa chính phủ với chính phủ. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tác nhân trong quan hệ song phương 2 nước, đó là mối quan hệ giữa nhân dân 2 nước.

Ở Canada hiện nay có hàng trăm ngàn kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc, đóng góp cho sự phát triển của Canada trên rất nhiều khía cạnh. Kiều bào Việt Nam rất quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Canada.

Trải qua thời gian, họ là những người đã tư vấn, giúp đỡ tôi về cách làm sao có thể thúc đẩy quan hệ song phương Canada - Việt Nam sâu sắc hơn nữa, tận dụng nguồn lực sẵn có trong nhân dân 2 nước để thúc đẩy mối quan hệ này đạt được những hiệu quả thực chất nhất.

Trước khi sang thăm Việt Nam, tôi đã gặp đại diện nhóm kiều bào Việt Nam ở Canada, nhận được nhiều lời khuyên về việc làm sao để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giữa 2 nước. Tôi hiểu chính kênh ngoại giao nhân dân này sẽ càng phát triển, khi ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam đã chọn Canada làm điểm đến du học, thậm chí định cư.

Bên cạnh việc gửi lời cảm ơn đến Chính phủ 2 nước đã hợp tác với nhau để nâng tầm quan hệ, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến cộng đồng kiều bào Việt Nam ở Canada, những người đã có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Canada không chỉ trong giáo dục, văn hóa, đầu tư, thương mại, còn nhiều lĩnh vực khác.

Trước khi sang thăm Việt Nam, tôi đã gặp đại diện nhóm kiều bào Việt Nam ở Canada, nhận được nhiều lời khuyên về việc làm sao để thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác giữa 2 nước.

- Thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thời gian tới Canada sẽ tập trung những chương trình cụ thể nào trong khuôn khổ của chiến lược này, và Canada đánh giá ra sao về vị trí, vai trò của Việt Nam trong chiến lược này?

- Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Canada tập trung vào các nội dung chính là thúc đẩy hòa bình, tăng cường khả năng chống chịu và an ninh, mở rộng thương mại, đầu tư và tăng khả năng chống chịu của các chuỗi cung ứng. Trong chiến lược này Việt Nam giữ vị trí trung tâm. Ở khía cạnh thương mại, chúng tôi mong muốn nhìn thấy nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên các kệ hàng tại Canada, cũng như hàng hóa của Canada trên các kệ hàng tại Việt Nam.

Đối với Việt Nam, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada còn tập trung vào trụ cột hợp tác về hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhưng trong ứng phó với BĐKH không chỉ tập trung những vấn đề liên quan đến thích ứng hay giảm thiểu khí phát thải nhà kính, còn bao hàm cả lĩnh vực chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững.

Chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi năng lượng truyền thống sang việc sử dụng năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch hơn, không chỉ giúp giải quyết các nguy cơ về vấn đề BĐKH, còn mang lại cơ hội cho Việt Nam có thể tiếp cận và phát triển năng lượng xanh nhiều hơn.

Để thực hiện điều trên sẽ có nhiều sáng kiến được đưa ra thực hiện ở nhiều hình thức, như đa phương (Chính phủ Canada sẽ kết hợp với Ngân hàng Thế giới để thực hiện) trong một số dự án, hay song phương (Chính phủ Canada sẽ trực tiếp viện trợ cho Việt Nam).

Tuy nhiên, các giải pháp về phát triển vẫn tập trung vào mục tiêu bền vững. Thí dụ, phân phối điện hay sản xuất điện vẫn phải đảm bảo để người dân Việt Nam từ các vùng miền khác nhau tiếp cận được nguồn năng lượng đó một cách công bằng và bền vững. Đây cũng là mục tiêu chúng tôi mong muốn đạt được.

- Việt Nam được đánh giá là quốc gia nằm trong nhóm dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng nhiều nhất trong BĐKH. Trong khi Canada là quốc gia có nhiều sáng kiến về ứng phó với BĐKH, sử dụng tài nguyên hiệu quả. Canada sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam trong giảm phát thải khí carbon và sử dụng tài nguyên hiệu quả, nhằm hiện thực quá mục tiêu “net zero” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP 26?

- Trước hết, tôi khẳng định Canada và Việt Nam đang cùng chia sẻ mục tiêu chung là giảm tác động xấu của BĐKH. Với mong muốn giảm khí phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, cả 2 nước cam kết giảm thiểu ô nhiễm, cũng như cam kết cùng định giá carbon và khử carbon.

Cụ thể, Canada sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để chuyển đổi năng lượng công bằng và tăng cường xây dựng năng lực cho cộng đồng ven biển, để tăng cường khả năng chống chịu bền vững trước BĐKH.

Bên cạnh cung cấp những gói hỗ trợ kỹ thuật, Canada sẽ cố gắng sử dụng những công nghệ mới để xử lý những vấn đề về mặt BĐKH. Chúng tôi cũng rất mong muốn và hiện đang kêu gọi Việt Nam sớm tham gia sáng kiến “Định giá carbon toàn cầu”.

Đây là sáng kiến được Chính phủ Canada đưa ra nhằm tạo diễn đàn để các nước đã thiết lập thị trường carbon cũng như các nước quan tâm đến vấn đề này trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu 60% lượng carbon phát thải trên toàn cầu được định giá vào năm 2030.

Hiện nay, Canada đang tài trợ cho một dự án có trị giá ban đầu 7 triệu USD, xây dựng một thị trường carbon thích ứng, từ đó tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Khi một thị trường tín chỉ carbon đã được tạo lập, sẽ có cơ sở về pháp lý và giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Lưu Thủy (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-canada-chia-se-muc-tieu-chong-bien-doi-khi-hau-post111224.html