Việt Nam 'chạy' ra sao trong cuộc đua giành khách MICE quốc tế?
Theo chuyên gia, Việt Nam nên chú trọng vào nhóm khách MICE từ Nam Á như Pakistan, Sri Lanka và đặc biệt là thị trường có mức chi cao - Ấn Độ.
Thị trường du lịch MICE Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động chưa từng có kể từ sau đại dịch. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Vietravel tiếp lượng khách MICE quốc tế tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường châu Á chiếm 91%.
Cùng giai đoạn, Vietluxtour cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng đoàn khách MICE đến 35%.
MICE - viết tắt của Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm) - là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác.
Mordor Intelligence, tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, nhận định ngành du lịch MICE của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đầy hứa hẹn trong những năm gần đây và ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 5% trong 5 năm tới. Ngành công nghiệp này đang có đà phát triển tốt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến được ưa chuộng ở châu Á - Thái Bình Dương cho công việc và giải trí.
Tuy nhiên, trong cuộc đua giành khách du lịch MICE tại Đông Nam Á, Việt Nam không phải ứng viên duy nhất.
Năm 2023, Singapore được đánh giá là "Điểm đến MICE tốt nhất thế giới" tại lễ trao giải Du lịch Kinh doanh (Business Traveller Awards 2023). Ngoài hạng mục trên, quốc đảo sư tử cũng đạt danh hiệu "Thành phố cho Doanh nghiệp tốt nhất châu Á" và "Thành phố cho Doanh nghiệp tốt nhất thế giới".
Trong khi đó, Thái Lan cũng là điểm đến MICE quen thuộc, đặc biệt đối với đoàn du khách từ Việt Nam.
Vậy, làm thế nào để Việt Nam có thể tìm ra lối đi riêng và tự tin cạnh tranh cùng những "ông lớn" du lịch trong khu vực?
Đâu là điểm yếu?
Dựa trên góc nhìn doanh nghiệp, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vietravel, chỉ rõ 3 điểm hạn chế mà đơn vị nhận thấy khi phối hợp khai thác MICE với các đối tác địa phương.
Đầu tiên, chính sách quảng bá du lịch MICE tại Việt Nam chưa có sự đồng nhất. Hiện, mỗi tỉnh, thành đang khai thác MICE theo phương thức riêng do địa phương đề ra, thiếu tính liên kết giữa điểm đến và người dân.
"Để quảng bá rộng rãi du lịch MICE, chính phủ cần phân tầng nhiệm vụ cụ thể cho địa phương, doanh nghiệp và người dân", bà Hoàng nói với Tri Thức - Znews.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành cần được chú trọng đầu tư, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các nơi. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ du lịch tại các địa phương chưa phát triển đồng đều.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ cho khách hàng MICE chưa có. Bà Hoàng cho rằng Việt Nam có cơ sở để tự tin cạnh tranh với các nước trong khu vực trong cuộc đua giành khách MICE. Song, chính sách khuyến thưởng của chúng ta còn mờ nhạt, chưa rạch ròi.
"Tôi lấy ví dụ về Hàn Quốc. Khi đưa khách đoàn MICE đến Hàn, doanh nghiệp nhận thấy nước này có chính sách khuyến thưởng cho các bên dựa trên từng hạng mục, quy định cụ thể về số lượng khách. Còn ở Việt Nam, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch MICE chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch", bà Hoàng nói.
Bên cạnh đó, nhu cầu của đoàn khách MICE có sự thay đổi từ sau đại dịch Covid-19 đòi hỏi các điểm đến MICE cần thích ứng và đổi mới.
Theo bà Hoàng, thời điểm trước dịch, khách đặt tour chú trọng vào chất lượng về hội họp. Sau dịch, du lịch MICE có xu hướng hội họp kèm tour mới lạ, chăm sóc sức khỏe, kết hợp công việc với du lịch, giải trí, khám phá địa phương, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…
“Khách MICE quan tâm nhiều đến trải nghiệm cá nhân hóa. Ngoài ra, khai thác tour MICE xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ thiên nhiên và văn hóa địa phương cũng là yếu tố du khách yêu cầu”, bà Hoàng chia sẻ.
Đồng quan điểm, ở góc độ chuyên gia quan sát, nghiên cứu, tiến sĩ Justin Matthew Pang, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và Khách sạn, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết cơ sở hạ tầng là yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước láng giềng như Thái Lan và Singapore trong lĩnh vực du lịch MICE.
Theo ông, Việt Nam có lợi thế về chi phí chỗ ở, địa điểm và dịch vụ có mức giá rẻ hơn. Đây là một lựa chọn hấp dẫn cho những người tổ chức sự kiện quan tâm đến ngân sách. Ngoài ra, di sản văn hóa phong phú và cảnh quan đa dạng của Việt Nam mang đến những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho du khách.
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khi so sánh với một số nước lân cận.
"Việt Nam đang nỗ lực đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại, nhưng vẫn đi sau Singapore về khả năng tiếp cận và chất lượng cơ sở hạ tầng. Singapore nổi tiếng có cơ sở vật chất vượt trội, bao gồm các trung tâm hội nghị hiện đại, mạng lưới giao thông và kinh nghiệm dày dạn trong việc tổ chức thành công các sự kiện đẳng cấp thế giới. Tương tự, với cơ sở hạ tầng du lịch tốt cùng danh tiếng là điểm đến giải trí hàng đầu khiến Thái Lan là một đối thủ nặng ký của Việt Nam", ông nhận định.
Để đua nhanh nhưng bền bỉ
Bất chấp những thách thức kể trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, sự ổn định chính trị và nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang giúp nơi đây trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn trên thị trường du lịch MICE.
Theo tiến sĩ Justin Matthew Pang, thị trường MICE của Việt Nam hiện chủ yếu đón du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sở dĩ như vậy vì đất nước họ có vị trí khá gần và quan hệ kinh doanh phong phú với Việt Nam, đồng thời việc di chuyển giữa các nước cũng khá thuận tiện.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, Việt Nam nên đặt mục tiêu trở thành địa điểm MICE được các nước trong khu vực Nam Á lựa chọn, cụ thể là Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka. Các quốc gia này hiện có thị trường tăng trưởng mạnh mẽ cùng với khát vọng phát triển vượt bậc về kinh tế và kinh doanh.
Ngoài ra, Việt Nam nên tận dụng các ứng dụng công nghệ một cách chiến lược.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là hoạt động rất quan trọng để quản lý sự kiện và truyền thông một cách suôn sẻ. Có thể phát triển các nền tảng sự kiện ảo và kết hợp trực tiếp - trực tuyến để đáp ứng nhu cầu tham gia từ xa, mở rộng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác.
Hơn nữa, có thể nâng cao hiệu quả và sự hài lòng của khách hàng bằng cách áp dụng công nghệ thông minh tại các địa điểm tổ chức sự kiện và chỗ ở, chẳng hạn như cảm biến IoT (Internet of Things) để giám sát cơ sở vật chất và cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa. Thông qua các ứng dụng dành cho thiết bị di động, du khách có thể truy cập một cách thuận tiện vào lịch sự kiện, bản đồ và gợi ý điểm đến ở địa phương, giúp cải thiện trải nghiệm của người tham dự.
Ngoài ra, việc triển khai phân tích dữ liệu nâng cao và các công cụ dựa trên AI có thể hỗ trợ các chiến dịch marketing có chủ đích và dịch vụ được cá nhân hóa, đáp ứng sở thích và nhu cầu đa dạng. Các giải pháp hướng tới phát triển bền vững dựa trên công nghệ như sử dụng năng lượng xanh và tài liệu điện tử cũng giúp giảm tác động đến môi trường, thu hút các nhà tổ chức sự kiện có trách nhiệm với xã hội.