Việt Nam chi 2,56 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu

6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 2,56 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 6/2024 giảm 4% so với tháng 5/2024 nhưng tăng 4,5% so với tháng 6/2023, đạt 423,75 triệu USD.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,56 tỷ USD, tăng 9,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt gần 717,79 triệu USD, tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2023; trong đó riêng tháng 6/2024 đạt 172,41 triệu USD, tăng 8,5% so với tháng 5/2024 và tăng mạnh 51,4% so với tháng 6/2023.

Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 22,8%, đạt 582,96 triệu USD, tăng mạnh 69,6% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 84,75 triệu USD, tăng 23,7% so với tháng 5/2024 và tăng 34,7% so với tháng 6/2023.

Tiếp đến thị trường Brazil trong tháng 6/2024 nhập khẩu giảm 29,8% so với tháng 5/2024 và giảm 36,8% so với tháng 6/2023, đạt trên 57,92 triệu USD; cộng chung cả 6 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu từ thị trường này tăng 15,2% so với 6 tháng đầu năm 2023; đạt trên 371,76 triệu USD, chiếm 14,5% trong tổng kim ngạch.

Theo báo Nhân dân, ngành chăn nuôi Việt Nam đóng góp hơn ¼ vào GDP nông nghiệp; năng lực sản xuất, chăn nuôi được đánh giá là nằm trong top đầu thế giới.

Mặc dù đạt được những thành tựu này nhưng chúng ta vẫn đang phải xoay sở về nguồn cung và cần có sự thay đổi chiến lược để hướng tới tương lai "tự lực", giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Nhằm phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030.

Theo báo Dân Việt, Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 phấn đấu công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế như: Chế biến vi sinh vật, enzyme, thảo dược, các loại hợp chất thiên nhiên, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, khoáng tự nhiên..., nhằm cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến thực phẩm... làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030; đáp ứng tối thiểu 70% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh. Mở rộng một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra nhiệm vụ, giải pháp về phát triển và đổi mới trình độ công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại vùng có định hướng phát triển chăn nuôi.

Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 nhằm tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và giảm dần nhập khẩu. Ảnh minh họa: T.L/Dân Việt

Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 nhằm tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước đảm bảo chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và giảm dần nhập khẩu. Ảnh minh họa: T.L/Dân Việt

Trong đó, rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị gắn với vùng phát triển chăn nuôi; đánh giá thực trạng về công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện nay để khuyến cáo đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở vùng đang còn không gian chăn nuôi lớn; hạn chế mở mới và mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở khu vực đang có mật độ chăn nuôi và mật độ cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cao.

Song song đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về: Phát triển công nghiệp sản xuất các loại thức ăn bổ sung và chế biến các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế việc nhập khẩu.

Đặc biệt khi triển khai Đề án này, cần ưu tiên các nhiệm vụ, dự án sau: Đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Về phía Cục Chăn nuôi, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, trong năm 2024, Cục sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-chi-256-ty-usd-nhap-khau-thuc-an-gia-suc-va-nguyen-lieu-204240729103145346.htm