Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số ô tô: Doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?
Về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi sản xuất ô tô, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cần nhìn nhận một cách đầy đủ trong bối cảnh đã có và ngày càng có nhiều hơn các nhà cung cấp Việt trở thành đơn vị cung ứng lớn cho các hãng sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Đánh giá về việc Việt Nam đã thật sự có ngành công nghiệp ô tô, ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia có nhiều năm thực tế lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất ô tô và thiết bị cơ khí cho rằng, quy mô thị trường ngành ô tô hiện nay là không lớn, lại có quá nhiều mẫu xe, nên sẽ gần như không đủ sản lượng kinh tế cho bất kỳ linh kiện nào.
Trong khi đó, nền công nghiệp chế tạo ở Việt Nam lại đang thiếu những nền tảng cơ bản khi không làm được vật liệu, không chế tạo được máy móc. Đây chính là lý do khiến chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô của Nam vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Đến nay, các nhà sản xuất Việt Nam không chỉ có khả năng cung cấp những chi tiết, phụ tùng đơn giản mà còn cả những máy móc, thiết bị phức tạp cho ngành công nghiệp ôtô và trở thành những nhà cung ứng cho các hãng như Toyota, Hyundai Thành Công, Thaco (Trường Hải), hay các công ty 100% vốn Việt Nam như Vinfast.
Theo vị chuyên gia này, các linh kiện ô tô yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và đảm bảo yếu tố môi trường, vì vậy chỉ một, hai tập đoàn trong nước có nguồn lực lớn để đầu tư bài bản, còn lại hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam chưa đủ trình độ để xin cấp phép, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp chính hãng cũng như vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại.
“Ở góc độ vật liệu, mỗi con ốc vít giá thành không lớn nhưng phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất và yêu cầu có nguồn vật liệu phù hợp. Tại Việt Nam hiện nay các nhà máy thép chủ yếu sản xuất thép xây dựng chứ ít làm thép chế tạo; gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập; nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Tư duy theo hướng Việt Nam phải sản xuất từ cái ốc vít cho đến toàn bộ chi tiết, linh kiện của ô tô là không thực tế và không phù hợp với nền sản xuất theo chuỗi cung ứng của thế giới ngày nay”, ông Tuyển nói.
Ông Nguyễn Tiến Thưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP ốc vít Brother cũng cho rằng, thực trạng khó khăn của Việt Nam là nguồn nguyên liệu hợp kim để sản xuất sản phẩm cao cấp đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, những năm qua, năng lực sản xuất nguyên vật liệu của Việt Nam đã được nâng cao, phần nào đáp ứng được nhu cầu vật liệu cho sản xuất linh kiện, thiết bị phụ tùng cho ngành chế tạo ở Việt Nam.
Theo ông Thưởng, trước đây nguồn nguyên liệu kim loại mà Việt Nam sản xuất đa số đều phải nhập từ Trung Quốc. Nhưng trong năm năm trở lại đây, Việt Nam làm nguyên liệu cho sản xuất, đó là thép cacbon. Với thép hợp kim, do nhu cầu đầu tư lớn, dung lượng thị trường lại nhỏ nên doanh nghiệp chưa mặn mà, do đó các nhà sản xuất linh kiện phải nhập khẩu.
Ông Thưởng cho rằng, vấn đề lớn của doanh nghiệp ốc vít Việt là bài toán về dung lượng thị trường, vốn đầu tư, công nghệ và quy trình quản lý chất lượng. Ngoài Brother, nhiều thương hiệu ốc vít Việt Nam đã đi ra thế giới như ốc vít Songnam đã cung cấp cho Panasonic, LG, Toto, Inax, Eurowindow, Austdoor…. và xuất khẩu đi 6 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Đức; ốc vít Lidovit cung cấp cho Honda, Suzuki Việt Nam, IKEA, Samsung …. với 50% xuất khẩu đi châu Âu.
“Chúng tôi có thể sản xuất được ốc vít cao cấp. Tuy nhiên, khi thị trường chưa đủ dung lượng, quy mô nhỏ thì đầu tư sản xuất sẽ không hiệu quả. Do đó, bước đi của chúng tôi là vẫn phải đi song song, vừa sản xuất loại chất lượng phổ thông phục vụ cho ngành dân dụng để đảm bảo vốn, vừa theo đuổi mục tiêu ở phân khúc cao cấp hơn như phục vụ ngành ô tô”, ông Thưởng nói.
Ông cũng cho biết, dù là nhà sản xuất ốc vít trong bộ phận ghế ngồi ô tô, nhưng Công ty ốc vít Brother cũng chỉ là nhà cung cấp thứ cấp, theo sự phân công của chuỗi cung ứng sản xuất xe, chứ chưa phải là nhà cung ứng trực tiếp. Do đó, cần có chính sách thúc đẩy cả ngành vật liệu trọng điểm, cũng như ngành sản xuất linh kiện ô tô để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đón đầu cơ hội thị trường. Đó mới là điều quan trọng.
Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Với thực tế giai đoạn ô tô hóa đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành đã vượt con số 500.000 chiếc trong năm 2022. Đây là mốc rất quan trọng để đánh giá Việt Nam không còn là thị trường nhỏ nữa. Chính vì vậy, việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô với sự gia tăng các doanh nghiệp trong nước càng trở nên cấp thiết.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam vẫn còn khá ít, mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
So với các quốc gia trong khu vực, những con số này rất khiêm tốn. Nếu nhìn sang quốc gia trong khu vực là Thái Lan với gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 thì Việt Nam vẫn còn có quá ít khi đạt chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1. Với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Việt Nam chỉ có chưa đến 150 doanh nghiệp, trong khi Thái Lan có khoảng 1.700 doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công được khoảng 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm, trục khuỷu... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
“Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu”, Bộ Công Thương cho hay.