Việt Nam chỉ mất 20 năm chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già

Nếu các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%), thì Việt Nam dự báo chỉ mất 20 năm.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: giadinh.net.vn

Năm 2011, Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Số người cao tuổi Việt Nam (từ 65 tuổi trở lên) hiện chiếm 7,7% dân số, tức khoảng 7,4 triệu người cao tuổi; riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người.

Nếu các nước phát triển phải mất một thế kỷ hoặc vài thập kỷ để chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số (7%) sang dân số già (14%) như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Anh (45 năm)... thì Việt Nam dự báo chỉ mất 20 năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết cho biết thông tin trên tại Hội thảo quốc tế “Tăng cường hợp tác giữa các bên nhằm thúc đẩy già hóa năng động và sức khỏe tâm thần người cao tuổi trong ASEAN” tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/11.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, xu hướng già hóa dân số, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi của ASEAN.

Các chuyên gia quốc tế đến từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới, Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học nhằm thúc đẩy già hóa năng động, khỏe mạnh trong cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, già hóa dân số xảy ra không phải vì tỷ lệ tử vong giảm hay vì con người sống lâu hơn, mà phần lớn là do mức sinh giảm.

Tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam phải chuẩn bị cho già hóa dân số, khi các cặp vợ chồng bắt đầu có một gia đình nhỏ hơn. Việt Nam cần phải tính đến một mô hình mới có thể đồng bộ hóa vấn đề dân số với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo hòa nhập xã hội cho người cao tuổi, bà Naomi Kitahara khuyến nghị.

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ảnh minh họa

Giáo sư Yasuhiro Yamada, Trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) về các vấn đề tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cho rằng, già hóa dân số sẽ gia tăng một cách nhanh chóng, do đó cần có những hành động ứng phó kịp thời càng sớm càng tốt.

Già hóa dân số có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần, sa sút trí tuệ trong tương lai. Nếu lường trước được các yếu tố của già hóa dân số sẽ giúp các nước có sẵn cơ sở hạ tầng để đáp ứng, khắc phục những bất lợi do tình trạng này gây ra.

Các đại biểu tại Hội thảo cũng đưa ra khuyến nghị về việc thúc đẩy các thích ứng có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng già hóa dân số; các biện pháp thích ứng dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử, bình đẳng nhằm giúp thúc đẩy tầm nhìn về một tuổi già khỏe mạnh, hạnh phúc hướng đến xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết, chủ động thích ứng trong thúc đẩy già hóa năng động, khỏe mạnh.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-chi-mat-20-nam-chuyen-doi-tu-gia-hoa-dan-so-sang-dan-so-gia-post105833.html