Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống thông tin sai lệch
Phóng viên TTXVN tại Paris đưa tin ngày 16/3, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại diện Quốc gia Việt Nam bên cạnh Pháp ngữ Đinh Toàn Thắng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF) phiên họp đặc biệt lần thứ 40.
Hội nghị CMF đã tập trung thảo luận về tình hình suy giảm dân chủ và an ninh trong khu vực Pháp ngữ và cuộc đấu tranh chống thông tin sai lệch. Đồng thời, Hội nghị đã thông qua Quy chế chung về hoạt động của các cơ quan Pháp ngữ. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ CMF nhóm họp trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Annadif Saleh - Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách khu vực Tây Phi và Sahel (UNOWAS) báo cáo về tình trạng gia tăng bất ổn tại châu Phi trong thời gian qua, cũng như những giải pháp mà Liên hợp quốc (LHQ) đang triển khai nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy phát triển trong khu vực. Hội nghị đã thảo luận đưa ra các giải pháp dựa trên cách tiếp cận về phòng, chống những hình thức cực đoan bạo lực, phát huy các giá trị dân chủ, hỗ trợ phát triển, tạo việc làm và quản trị. Hội nghị cũng kêu gọi các chủ thể Pháp ngữ tìm lời giải cho thách thức lớn là tái xây dựng niềm tin của người dân đối với các tiến trình dân chủ.
Liên quan đến những nguy cơ về thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội, Hội nghị CMF đã kêu gọi cần có một hành động tập thể để chống lại vấn nạn này, nhấn mạnh vai trò của truyền thông và GAFA (viết tắt của Google, Apple, Facebook, Amazon); đồng thời bày tỏ sự ủng hộ dành cho các hoạt động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các chủ thể Pháp ngữ khác nhằm chống lại thông tin sai lệch, cụ thể như giáo dục giới trẻ về xác minh nguồn thông tin. Một số đại biểu chia sẻ suy nghĩ về bất bình đẳng thông tin khi các nguồn thông tin đến từ một chiều (thường là từ các nước phương Bắc), không sát với thực tế của người tiếp nhận thông tin (thường là từ các nước phương Nam).
Tại Hội nghị CMF lần này, các Bộ trưởng và đại diện Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Chính phủ các quốc gia thành viên đã thông qua Quy chế hoạt động chung của các cơ quan Pháp ngữ. Việc thông qua Quy chế này nằm trong dự án tổng thể kế hoạch cải cách tổ chức OIF do Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo triển khai từ khi nhậm chức năm 2018 nhằm đổi mới cách thức vận hành, hài hòa các quy định áp dụng để tăng cường tính thích nghi của OIF trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã nghe báo cáo cập nhật về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 dự kiến được tổ chức tại Djerba, Tunisia từ ngày 19-20/11/2022 với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: Số hóa là động lực của phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định Việt Nam - với tư cách thành viên của cộng đồng Pháp ngữ - gắn bó với các giá trị của Pháp ngữ và nỗ lực cho các mục tiêu chung của cộng đồng nhằm ứng phó với những thách thức mới; chia sẻ nhận định cần có cách tiếp cận tổng thể để đối phó với các nguy cơ ngày càng đa dạng và ở quy mô lớn hơn nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố đặc thù của từng vấn đề; hoan nghênh OIF và cộng đồng Pháp ngữ đã luôn đoàn kết và vững vàng trước những thách thức đa dạng từ đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu hay tình trạng thông tin sai lệch; nhấn mạnh hợp tác kinh tế là trọng tâm mà các thành viên cộng đồng Pháp ngữ luôn ưu tiên nhằm đảm bảo sự phát triển bao trùm, tăng trưởng và thịnh vượng chung; hoan nghênh chuyến thăm của bà Tổng Thư ký OIF Mushikiwabo sang Việt Nam, dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế - thương mại gồm gần 100 doanh nghiệp Pháp ngữ của châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ đến tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (21-26/3/2022).
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng chia sẻ với Hội nghị về những kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng chống thông tin sai lệch như ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; tăng cường khung pháp lý, phát triển các công cụ kỹ thuật để phân tích lưu lượng các trang web, đo lường thời gian thực, lọc và kiểm chứng thông tin, truyền thông về thông tin chính thống và xây dựng đội ngũ để ứng phó thông tin sai lệch trên không gian mạng; thúc đẩy đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông và thường xuyên cung cấp, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhằm hạn chế tối đa thông tin sai lệch.