Việt Nam chia sẻ về chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền

Phát biểu tại Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch Công ty CP Sao Thái Dương, đã nhấn mạnh những điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và các đại biểu tham dự Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất. (Nguồn: The Indian Express)

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và các đại biểu tham dự Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất. (Nguồn: The Indian Express)

Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất được đồng tổ chức bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chính phủ Ấn Độ, diễn ra bên lề hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 từ ngày 17-18/8 tại thủ phủ Gandhinagar, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai,” các chuyên gia trên toàn thế giới về y học cổ truyền sẽ tư vấn, thảo luận cùng WHO xây dựng chính sách phát triển, chiến lược hành động giai đoạn 2025-2034 về y học cổ truyền.

Hội nghị Y học Cổ truyền Toàn cầu lần thứ nhất này là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với ngành y học cổ truyền thế giới, thể hiện cam kết toàn cầu của WHO về gìn giữ và phát huy giá trị của y học bản địa, thúc đẩy phát triển y học cổ truyền, y học bổ sung và y học tích hợp trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tham dự Hội nghị, Việt Nam có 5 đại biểu: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Nam, Tiến sỹ Kiều Đình Khoan - đại diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; bà Nguyễn Thị Hương Liên, Thạc sỹ Dược sỹ Nguyễn Thị Hồng Vân - đại diện Công ty cổ phần Sao Thái Dương; ông Trịnh Hiền Trung - đại diện tập đoàn TH.

Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, đã nhấn mạnh những điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền, một số đề xuất, giải pháp chiến lược, hành động cần thiết trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, bà còn chia sẻ một số điểm tích cực trong chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền tại Việt Nam như Nghị định 1893/QĐ-TTg 2019 về Chương trình Phát triển Y học Cổ truyền đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2021/TT-BYT 2021 của Bộ Y tế Việt Nam về đăng ký thuốc y học cổ truyền.

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu đối với sức khỏe người dân và cộng đồng.

Khoảng 40% thuốc ngày nay được sản xuất từ các sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính biểu tượng có nguồn gốc từ y học cổ truyền, bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em.

Các nghiên cứu mới, bao gồm cả nghiên cứu về bộ gen và trí tuệ nhân tạo đang được đưa vào lĩnh vực này.

Hiện tại, 170 quốc gia thành viên đã báo cáo với WHO về việc sử dụng y học cổ truyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-chia-se-ve-chinh-sach-khuyen-khich-phat-trien-y-hoc-co-truyen-post889715.vnp