Việt Nam chủ động phòng, chống lao bằng chiến dịch 2X
'Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống Covid-19', PGS, TS Nguyễn Viết Nhung nói.
“Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống Covid-19”, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung nói.
Sáng 15-12, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam (CTCLQG) tổ chức hội thảo “Hợp tác y tế hướng tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam - Áp dụng Chiến lược 2X”.
Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam ngài Christopher Klein, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia PGS, TS Nguyễn Viết Nhung và các đại diện đến từ CTCLQG, Bệnh viện Phổi Trung ương, USAID, Chương trình chống lao các tỉnh thành và các tổ chức quốc tế đã tham dự hội thảo.
Phát hiện lao và lao tiềm ẩn nhờ chiến dịch 2X
Chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Dự án USAID SHIFT hợp tác với CTCLQG đã triển khai thí điểm Chiến lược 2X một cách toàn diện tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng cho 18 huyện thuộc bảy tỉnh (Thái Bình, Nghệ An, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Tây Ninh và Tiền Giang) từ tháng 2-2020.
Chiến lược 2X là chiến lược mới nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao. Quy trình triển khai 2X quốc gia được xây dựng dựa trên quy trình, kinh nghiệm triển khai và hỗ trợ kỹ thuật của dự án USAID SHIFT.
Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu. Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong cam kết chính trị của mình nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, thông qua thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao vào tháng 12-2019.
Tuy nhiên, theo ước tính mỗi năm có khoảng 170.000 người mắc lao tại Việt Nam và chỉ có hơn 100.000 người được phát hiện và điều trị trong Chương trình Chống Lao Quốc gia.
Điều này có nghĩa là khoảng 50.000 người mắc bệnh lao không được chẩn đoán trong cộng đồng và khoảng 20.000 trường hợp đã được chẩn đoán bệnh nhưng không được báo cáo trong hệ thống lao quốc gia.
Để tối ưu hóa nguồn lực, chương trình đã triển khai xét nghiệm cho nhóm đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.
Tại cơ sở y tế, chương trình đã tập trung vào 92.604 đối tượng là bệnh nhân tiểu đường, hô hấp, viêm phổi. Kết quả chụp X-quang đã phát hiện 4.915 người nghi lao, chiếm tỷ lệ, 5,3%. 4.596 người này tiếp tục được xét nghiệm Gene Xpert và phát hiện 874 mắc lao, trong đó chiếm tỷ lệ 45,5% là người hơn 55 tuổi, 77% là nam giới.
Tại cộng đồng, chiến dịch 2X đã triển khai chụp X-quang cho 52.864 người thuộc nhóm nguy cơ cao. Kết quả, có 7.920 người nghi lao, chiếm tỷ lệ 15%, cao hơn so với mô hình tại cơ sở y tế. Tiếp tục sàng lọc bằng Gene Expert, các chuyên gia đã phát hiện 802 ca nhiễm lao.
Như vậy, sau hơn chín tháng triển khai chương trình 2X, tỷ lệ phát hiện lao trung bình tại bảy tỉnh, thành phố là khoảng 1.517/100.000 người được chụp X-quang, cao hơn nhiều so với trước khi có chiến dịch 2X. Trong đó, tỷ lệ người được xác định nhiễm lao tiềm ẩn là 3.027 người.
“Chiến lược 2X có hiệu quả phát hiện lao và lao tiềm ẩn tại cơ sở y tế và động đồng, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao như người cao tuổi, người hút thuốc, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân có tiền sử điều trị lao và người tiếp xúc hộ gia đình”, đại diện USAID nói.
Hy vọng mới cho công tác phòng, chống lao tại Việt Nam
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 - 2035 giảm được 17% số bệnh nhân lao mỗi năm, Việt Nam cần phải có công cụ mới, có vaccine, có cách tiếp cận lao tiềm ẩn.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia nhấn mạnh, chiến lược 2D là một chiến lược chủ động của Việt Nam để tiếp cận với người nghi nhiễm lao.
“Chiến lược 2X mới chỉ làm trong 18 huyện ở bảy tỉnh, thành phố đã phát hiện hơn 1.670 người mắc lao ngoài phát hiện thường quy. Chiến lược này rất hiệu quả, phát hiện cả người nhiễm lao tiềm ẩn để điều trị kịp thời”, ông Nhung nói.
Hiện nay, chương trình chống lao có 29 xe X-quang di động thực hiện chụp X-quang và 218 hệ thống máy Gene Xpert trên phạm vi toàn quốc, sẵn sàng phục vụ chiến lược 2X.
“Máy Gene Xpert Dù phát hiện chủ động với lao, đồng thời cũng hết sức an toàn với Covid-19. Kít để xét nghiệm Covid-19 bằng máy Gene Xpert đã được Bộ Y tế phê duyệt và chúng tôi đã triển khai tập huấn cho các đơn vị tiếp cận kỹ thuật mới. Mục tiêu của chúng tôi là chiến thắng bệnh lao và chấm dứt Covid-19”, ông Nhung nói.
Chiến lược 2X đã phát huy được tính chủ động của Việt Nam trong phát hiện lao sớm, tiến tới điều trị sớm, hiệu quả, giảm thời gian lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nhanh số người mắc lao. Điều này có lợi ích cả về kinh tế và xã hội.
Giám đốc USAID tại Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết: Việt Nam đóng vai trò có tầm chiến lược với Chính phủ Hoa Kỳ về phát triển ngoại giao, nhân đạo. Chính phủ Hoa Kỳ luôn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong tăng cường hệ thống y tế nhằm phòng, chống bệnh lao, HIV và bệnh truyền nhiễm khác.
Hiện nay, Chính phủ Hoa kỳ đang hối hợp chặt chẽ với Chương trình Chống lao Quốc gia phối hợp nhằm phát hiện các ca nhiễm và và tiến hành điều trị cho các bệnh nhân nhiễm. Chiến lược 2X đã được triển khai tại chín tỉnh, thành phố ưu tiên và chiến lược này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra 25 tỉnh, thành phố trong tháng 12-2020. Địa bàn triển khai bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh (các bệnh viện phổi và bệnh viện đa khoa) cũng như các trung tâm y tế huyện hoặc các bệnh viện đa khoa huyện.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những thành quả và bài học rút ra trong quá trình triển khai Chiến lược 2X tại các tỉnh, bao gồm: Những thành tựu chính của CTCLQG; Những kết quả của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới chương trình phòng chống HIV/AIDS và lao bền vững” (USAID SHIFT) thông qua Chiến lược 2X được triển khai tại bảy tỉnh dự án; Kinh nghiệm triển khai từ chương trình chống lao các tỉnh; Chiến lược chống lao toàn diện sử dụng phương pháp 2X từ các tổ chức quốc tế.